Ngày 28/7, PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cho biết kết quả xét nghiệm của bệnh nhân nữ đã cho thấy đốt sán, trứng sán dây.
Cụ thể, bác sĩ chẩn đoán người bệnh nhiễm sán dây bò, chỉ định dùng thuốc điều trị sán dây trưởng thành, thu lại con sán dây dài 6 mét sau khi uống thuốc xổ. Bác sĩ Dũng cho biết bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động 0,5-12% dân số.
Trong đó, nhiễm sán dây bò là chủ yếu (chiếm 70-80%), 10-20% còn lại nhiễm sán lợn. Chiều dài của sán dây bò trưởng thành lên tới 4-12 m, mỗi đốt già khi rụng ra ngoài có khoảng 50.000 trứng sán bên trong.
Chuyên gia khuyến cáo, bệnh sán dây bò là một bệnh rất dễ mắc phải, ảnh hưởng sức khỏe và để lại cảm giác sợ hãi. Để phòng bệnh, người dân không ăn thịt bò, thịt trâu sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm sán; nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Thông tin từ bệnh nhân cho biết bản thân có thói quen ăn phở bò tái và lẩu bò, thi thoảng bị rối loạn tiêu hóa và phát hiện vật thể lạ trong phân.
Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm sán là thói quen thích ăn thực phẩm tái, sống như bò cuốn lá cải, tái chanh, phở tái, lẩu… Người bệnh nhiễm sán sẽ có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ, kéo dài, đường ruột thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt.
Thu Phương