Nguyên nhân gây bệnh sán dây
BS.CKI Trần Huyền Trâm, chuyên khoa Nội tiết – Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết sán dây là một loại sán dẹp, sống ký sinh trong đường tiêu hóa của con người và động vật. Tác nhân gây bệnh sán dây đường ruột chính của con người là sán dây bò, sán dây lợn, sán dây cá. Chúng có thể có chiều dài từ vài milimet đến vài mét.
Bệnh sán dây đa phần thường có nguyên nhân từ việc kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi và ăn uống chưa tốt. Nguồn bệnh xâm nhập từ động vật vào người qua đường miệng, đặc biệt là thói quen ăn thịt sống, thịt tái hoặc chưa nấu chín.
Ăn trực tiếp thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm bởi trứng sán dây. Ăn thịt tái, sống, chưa nấu chín, nem chua sống. Ăn rau sống chưa được rửa sạch, có chứa trứng ấu trùng nang dây lợn. Việc quản lý và sử dụng hố xí chưa hợp vệ sinh. Nuôi lợn thả rông, không có sự kiểm soát và quản lý dịch bệnh. Không vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với môi trường có khả năng lây nhiễm như: đất, chuồng lợn, hố xí…
“Thói quen ăn đồ sống tái, các món gỏi, rau sống tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán dây. Nếu một người có sở thích ăn uống nói trên cần phòng ngừa bệnh giun sán, nhất là khi có các biểu hiện như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp…”, bác sĩ Trâm cho hay.
Tại sao sán dây có thể nằm trong bụng người?
Trứng sán dây có thể tồn tại trong đất hoặc môi trường nước và từ đó được đưa vào cơ thể của người hoặc động vật qua việc ăn uống những thực phẩm có nhiễm trứng sán. Khi con người ăn thịt chưa chín hoặc không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, sán dây có thể tiếp tục phát triển trong đường tiêu hóa và gắn chặt vào niêm mạc ruột.
Sán dây là một loại ký sinh trùng có thể sống và ăn chất dinh dưỡng trong ruột người. Sán dây trong ruột thường gây ra các triệu chứng nhẹ. Các triệu chứng từ trung bình đến nặng có thể bao gồm đau dạ dày và tiêu chảy. U nang ấu trùng có thể gây bệnh nghiêm trọng nếu chúng ở trong não, gan, phổi, tim hoặc mắt của một người. Nhiễm sán dây thường không gây biến chứng nguy hiểm ngay mà các vấn đề có thể xảy ra trong một thời gian dài, bao gồm: Suy dinh dưỡng, thiếu máu, tắc ruột, phản ứng dị ứng và có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh nếu trứng hoặc ấu trùng sán phân tán đến.
Cách phòng tránh sán dây
Thói quen rửa tay kém làm tăng nguy cơ mắc và lây lan bệnh. Trái cây và rau chưa rửa sạch cũng có thể mang trứng sán dây. Điều kiện sống thiếu vệ sinh và xử lý chất thải kém cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trứng sán dây. Để phòng tránh nhiễm sán dây, bác sĩ Trâm cũng đưa ra những lời khuyên sau:
Thực phẩm và nước uống: Thực hiện ăn chín uống sôi. Nên ăn thịt đã chín kỹ và đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Nước uống cần được sôi sạch hoặc uống từ nguồn nước sạch.
Rửa tay: Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Luôn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với đất, động vật hoặc bất kỳ môi trường có thể nhiễm sán.
Vệ sinh môi trường: Giữ cho môi trường xung quanh sạch sẽ và không để phân động vật tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Chăm sóc vật nuôi: Nếu nuôi thú cưng, hãy tuân thủ lịch trình tiêm phòng định kỳ để ngăn chặn sự lây nhiễm. Đồ ăn cho chó mèo từ thịt, cá cần được nấu chín.