Tại buổi lễ, Bộ TN-MT cũng tổ chức hội thảo khoa học ‘Ứng dụng công nghệ hiện đại trong cảnh báo sớm thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu’.
Theo báo cáo ngân sách carbon toàn cầu, ước tính các quốc gia sẽ thải ra tổng cộng 36,8 tỉ tấn CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, nếu tính cả lượng khí thải trong việc sử dụng đất, tổng lượng khí CO2 toàn cầu sẽ đạt 40,9 tỉ tấn. Trong khi đó, thảm thực vật và các đại dương trên thế giới chỉ có thể hấp thụ khoảng 50% tổng lượng khí thải CO2.
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề đặc biệt quan trọng. Nước ta đã trở thành 1 trong 3 quốc gia đạt được và vượt mục tiêu đã cam kết mỗi năm giảm 2,5% dấu chân carbon. Thực tế, tốc độ xóa dấu chân của Việt Nam đang nhanh hơn, đạt mức 6,5% mỗi năm, đây là tín hiệu tích cực trong thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, các biện pháp giảm nhẹ dấu chân carbon.
Bộ TN-MT kêu gọi vận động toàn thể cơ quan, tổ chức và người dân phổ biến tuyên truyền các nội dung về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, hưởng ứng chung tay giảm phát thải khí nhà kính về ngưỡng cân bằng, giảm thiểu các tác động tiêu cực của chúng ta trong quá trình sử dụng các dịch vụ sinh thái, đưa Việt Nam đạt được chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2030.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu, tích cực hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tại hội nghị COP 28 (Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu) vừa qua, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thay mặt Bộ TN-MT, ông Thành kêu gọi các cơ quan, tổ chức và người dân chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Tuyên truyền, phổ biến luật Tài nguyên nước 2023, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, nhất là việc thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, không tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép. Tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; tăng cường các giải pháp xanh, các dự án năng lượng tái tạo đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế người dân, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày Nước thế giới 22.3 được Liên Hiệp Quốc phát động với chủ đề “Leveraging water for peace” – “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Ngày Khí tượng thế giới 23.3.2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu.
Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing carbon footprint towards Net zero” – “Giảm dấu chân carbon – hướng tới net zero” . Thông điệp này kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững…