Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường phổ thông có thể lựa chọn dạy tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng H’Mông. Hiện cũng đã có sách giáo khoa dạy tiếng H’Mông trong các trường học (từ lớp 1 đến lớp 5).
Tuy nhiên, đến nay trong cả nước vẫn chưa có chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng H’Mông.
Với đặc thù là trường sư phạm đóng chân trên địa bàn tỉnh vùng cao có đông đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang đã chủ trì, xây dựng mở mã ngành sư phạm tiếng H’Mông và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép trong tháng 7/2024.
Tiến sĩ Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang cho biết, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng H’Mông sẽ có nhiều cơ hội việc làm như giảng dạy tiếng H’Mông trong các trường học. Bên cạnh đó có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nghiên cứu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của phân hiệu là 50 sinh viên, điểm chuẩn đầu vào xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2024 là 25,09 điểm.
Ngoài mã ngành tiếng H’Mông, năm nay Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang cũng mở thêm ngành học mới nữa là ngành ngôn ngữ tiếng Trung Quốc.
Như vậy, đến nay, sau hơn 1 năm thành lập, Phân hiệu có 5 mã ngành được cấp phép đào tạo là đại học giáo dục mầm non, đại học giáo dục tiểu học, đại học sư phạm tiếng H’Mông, ngôn ngữ Trung Quốc và cao đẳng giáo dục mầm non.
Đến thời điểm hiện tại, phân hiệu đã tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu, dự kiến nhập học từ ngày 26 đến 27/8.
Ngoài ra, phân hiệu còn phối hợp với các trường thành viên Đại học Thái Nguyên đặt lớp tại Hà Giang đối với một số ngành như chăn nuôi-thú y; tài chính-kế toán; luật; quản trị kinh doanh.
Nguồn: https://nhandan.vn/phan-hieu-dai-hoc-thai-nguyen-tai-ha-giang-tuyen-sinh-ma-nganh-dac-thu-su-pham-tieng-hmong-post825810.html