Ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự phiên họp tại điểm cầu TP Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, lãnh đạo các sở, ngành của TP Hà Nội.
Hà Nội đã phân cấp gần khoảng 40% thủ tục hành chính
Tại đầu cầu Hà Nội, tham luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong năm 2023, Hà Nội đã tập trung rà soát các thủ tục hành chính để phân cấp, ủy quyền. Đến nay, Hà Nội đã phân cấp gần khoảng 40% thủ tục hành chính (vượt chỉ tiêu so với Chính phủ đề ra). Để làm được việc này thì kinh nghiệm của Hà Nội là “làm từ trên xuống” bởi nếu xin ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện thì chẳng sở, ngành, quận, huyện nào đồng ý phân cấp, ủy quyền cả.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội đã thành lập tổ công tác riêng, phân tích kỹ lưỡng, khoa học và và áp xuống cơ sở với tinh thần “vừa làm vừa sửa”. Đến thời điểm này, thực sự việc phân cấp, ủy quyền đã đi vào cuộc sống.
Trên cơ sở phân cấp, ủy quyền, năm 2023, Hà Nội cũng đã rà soát toàn bộ chức năng, nhiệm vụ và đến thời điểm này, chức năng nhiệm vụ của tất cả 21 sở, ngành, các cơ quan tương đương đã được ban hành mới phù hợp với thực tiễn và phù hợp với phân cấp, ủy quyền. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Hà Nội cũng đã rà soát lại và xác định vị trí việc làm của toàn bộ các đơn vị với 2.687 đề án về vị trí việc đã được phê duyệt, ban hành xong.
“Cùng với việc Luật Thủ đô sửa đổi sắp có hiệu lực, trong năm 2025, Hà Nội sẽ xác định cụ thể định biên biên chế phù hợp với quy mô, đặc thù của Thủ đô để nâng cao hiệu quả công việc, nguồn lực con người và tài chính” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Khuyến khích nỗ lực của các địa phương
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, xác định cải cách tài chính công là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Hà Nội cũng đã rà soát lại toàn bộ danh mục dịch vụ sự nghiệp công theo thẩm quyền và sẽ sớm trình HĐND TP phê duyệt toàn bộ các danh mục đó.
Các vấn đề về đơn giá, định mức sẽ được thành phố hoàn thành cơ bản xong trong năm 2024. Từ đó mới thực hiện được việc thay đổi phương thức quản lý, thực hiện tự chủ tài chính, giúp việc đấu thầu các dịch vụ công thuận lợi, đảm bảo công bằng, minh bạch và tránh được việc đùn đẩy, sợ sai.
Dẫn chứng việc từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, Hà Nội đã ban hành hệ thống đơn giá, định mức của ngành giáo dục và đã thí điểm ở cả 3 cấp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, qua nắm dư luận, các trường thí điểm đều cho biết việc này đã tạo điều kiện để nhà trường tự chủ hơn về biên chế, trả lương và phục vụ tốt hơn, chất lượng đào tạo cao hơn. Bộ GD&ĐT cũng đang muốn áp dụng cách làm này của Hà Nội…
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông xem xét lại một số chỉ tiêu để đảm bảo thực chất hơn, khuyến khích nỗ lực của các địa phương. Bởi trong hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội đã triển khai 116 dịch vụ công trực tuyến có thể thực hiện toàn trình. Có nhiều dịch vụ công trực tuyến như thủ tục đăng ký kết hôn không thể thực hiện 100% qua mạng.
“Vì vậy, cần thống nhất các tiêu chí để đánh giá chính xác hơn các phần việc, phản ánh đúng nỗ lực của hệ thống chính trị trong số hóa dịch vụ công, vừa động viên cán bộ, công chức và người dân thấy được nỗ lực của các địa phương trong lĩnh vực này” – Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-phan-cap-uy-quyen-da-di-vao-cuoc-song.html