Kinhtedothi - Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, tiến tới xóa bỏ cấp trung gian và sáp nhập một số tỉnh, thành đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Tại Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, đặt ra bài toán về sự phát triển bền vững và tối ưu hóa bộ máy nhà nước.
Dưới góc nhìn đó, câu chuyện sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng một lần nữa được đưa ra thảo luận. Dù không thuộc diện thiếu tiêu chí về diện tích và dân số, nhưng vấn đề này không thể chỉ dựa trên những con số cơ học. Đằng sau quyết định đó là những toan tính chiến lược về kinh tế, đô thị hóa, quản lý hành chính và sự phát triển lâu dài của khu vực.
Bài học từ quá khứ: chia tách để phát triển, sáp nhập để bứt phá?
Năm 1997, Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách để mỗi địa phương có cơ hội phát triển riêng biệt. Kết quả cho thấy, Đà Nẵng vươn lên thành một đô thị kiểu mẫu của cả nước, trong khi Quảng Nam chuyển mình từ một tỉnh thuần nông sang địa phương có nền kinh tế năng động, với các khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển mạnh.
Tuy nhiên, gần một thập kỷ trở lại đây, cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều đối mặt với những thách thức nghiêm trọng: kinh tế tăng trưởng chậm, hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai, quy hoạch đô thị, dẫn đến nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý. Đặc biệt, sự phát triển tách biệt giữa hai địa phương dường như đang tạo ra những điểm nghẽn, phân tán nguồn lực thay vì bổ trợ cho nhau.
Ngay từ năm 2018-2019, khi Đà Nẵng lên kế hoạch mở rộng sân bay, xây cảng Liên Chiểu, còn Quảng Nam muốn nâng cấp Chu Lai thành sân bay quốc tế, đã có ý kiến cho rằng, việc đầu tư riêng lẻ này sẽ làm phân tán nguồn lực, không tận dụng được lợi thế liên kết vùng. Ông Nguyễn Sự, nguyên lãnh đạo TP Hội An, từng nhận định: “Quảng Nam và Đà Nẵng vốn là một. Khi chia tách là hợp lý thì nay sáp nhập cũng là cần thiết”.
Sáp nhập: giải pháp cho những nút thắt phát triển?
Hiện tại, Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng quá tải đô thị: tắc đường, thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, quá tải bãi rác. Với dân số chỉ khoảng 1 triệu người, Đà Nẵng muốn trở thành siêu đô thị thì phải đạt ít nhất 4-5 triệu dân. Nhưng nếu tăng cơ học thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về nhà ở, việc làm, dịch vụ xã hội và áp lực lên tài nguyên.
Trong khi đó, Quảng Nam muốn vươn lên thành một đô thị ngang tầm với Đà Nẵng cũng gặp khó khăn do quỹ đất chưa được khai thác hiệu quả, hạ tầng chưa đồng bộ. Nếu tiếp tục phát triển riêng lẻ, cả hai địa phương đều phải đối mặt với vòng luẩn quẩn: mở rộng sân bay, lấp ruộng làm đường, phát triển khu đô thị mới nhưng vẫn thiếu sự kết nối tổng thể.
Sáp nhập hai địa phương không chỉ là bài toán về hành chính mà còn là chiến lược để tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra một cực tăng trưởng mạnh mẽ tại khu vực miền Trung. Đà Nẵng có thế mạnh về hạ tầng đô thị và dịch vụ, trong khi Quảng Nam có quỹ đất rộng lớn để phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Nếu được quy hoạch khoa học, sáp nhập có thể giúp giải quyết những điểm nghẽn hiện tại và tạo ra một động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về quan điểm sáp nhập, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định sự đồng tình. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, việc triển khai phải bài bản, khoa học, tránh tư duy lắp ghép cơ học đơn thuần, bởi phía sau đó là hàng ngàn cán bộ, công chức, là tâm tư nguyện vọng của nhân dân.
“Chủ trương của Trung ương đã rất rõ ràng, Quảng Nam không thể ngồi chờ mà phải chủ động cải cách hành chính, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Chúng tôi quyết tâm chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, chấm dứt tình trạng trì trệ, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước”- ông Dũng nhấn mạnh.
Năm 2024, Quảng Nam đã đạt mức tăng trưởng 7%, đánh dấu sự phục hồi sau nhiều năm trì trệ. Nhưng để bứt phá, tỉnh này cần một chiến lược dài hơi hơn, mà sáp nhập với Đà Nẵng có thể là một giải pháp khả thi.
Cần một chiến lược dài hạn và đồng thuận cao
Sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng không chỉ là bài toán hành chính mà còn là cơ hội để định hình lại chiến lược phát triển vùng. Tuy nhiên, để chủ trương này thành công, cần có sự đồng thuận từ Trung ương, chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân.
Mô hình “thành phố trong thành phố” có thể là một phương án khả thi, khi Đà Nẵng giữ vai trò trung tâm, còn Quảng Nam trở thành vùng phát triển vệ tinh với thế mạnh về công nghiệp và nông nghiệp. Điều quan trọng là phải có quy hoạch rõ ràng, tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương, đồng thời đảm bảo sự hài hòa về văn hóa, xã hội và quản trị hành chính.
Dù sáp nhập hay không, điều quan trọng nhất vẫn là hướng đến một mục tiêu chung: phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân và tạo ra một động lực kinh tế mạnh mẽ cho khu vực miền Trung.
Sáp nhập không phải là quay lại quá khứ, mà là tìm kiếm một tương lai phát triển đột phá hơn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/lanh-dao-quang-nam-chia-se-ve-kha-nang-tai-sap-nhap-voi-da-nang.html
Bình luận (0)