Bảo hiểm bắt buộc: An toàn cho cả người điều khiển và bên thứ ba
Theo Điều 56 của Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông bắt buộc phải có chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Đây là loại bảo hiểm mà mọi người dân đều phải sở hữu để đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Bảo hiểm bắt buộc này được hiểu là bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe máy. Trong trường hợp xảy ra tai nạn do lỗi của người điều khiển, bảo hiểm sẽ chi trả các khoản bồi thường cho bên bị thiệt hại. Việc không có loại bảo hiểm này sẽ dẫn đến việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm tự nguyện: Bảo vệ quyền lợi cá nhân
Bên cạnh bảo hiểm bắt buộc, người dân còn có thể mua thêm bảo hiểm tự nguyện. Đây là loại bảo hiểm không bắt buộc, nhưng mang lại nhiều quyền lợi quan trọng cho người điều khiển xe máy. Bảo hiểm tự nguyện sẽ chi trả bồi thường tài chính trong các trường hợp như thiệt hại về tài sản, tai nạn cho người ngồi trên xe (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng), hoặc trong các tình huống bất ngờ như cháy nổ hay mất cắp.
Dù không có chế tài xử phạt nếu không mua bảo hiểm tự nguyện, nhưng việc sở hữu loại bảo hiểm này sẽ giúp người dân an tâm hơn khi tham gia giao thông. Đặc biệt, trong những trường hợp rủi ro, bảo hiểm tự nguyện sẽ hỗ trợ đắc lực, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người tham gia giao thông.
Theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP mặc dù bảo hiểm tự nguyện không bắt buộc, nhà nước vẫn khuyến khích người dân tham gia. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho người điều khiển phương tiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện trong hợp đồng để người mua có thể dễ dàng lựa chọn.
Nguồn: https://www.congluan.vn/phan-biet-giua-bao-hiem-xe-may-bat-buoc-va-bao-hiem-xe-may-tu-nguyen-post307751.html