Bên dưới bài viết Gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên bức xúc, không đồng ý bản phái sinh Chú voi con ở Bản Đôn đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 9-4, nhiều bạn đọc để lại bình luận về vấn đề này.
Trong đó, độc giả ngot****@gmail.com viết: “Sao không đặt tên là Ngẫu hứng Chú voi con bản Đôn là ổn. Nhạc sĩ Trần Tiến cũng có một bài là Ngẫu hứng lý qua cầu lấy cảm hứng từ Lý qua cầu mà”.
Tuy nhiên, chỉ thêm từ “ngẫu hứng” hay “tùy hứng” ở tựa mà muốn biến tấu ca khúc của người khác theo ý mình cũng là một vấn đề đáng bàn.
Chưa kể ví dụ mà độc giả này dẫn ở trên cũng là một câu chuyện bản quyền cần phải trao đổi lại. Bởi lẽ, Ngẫu hứng lý qua cầu được nhạc sĩ Trần Tiến viết dựa trên cảm hứng bài thơ Điệu lý qua cầu của nhà thơ Bế Kiến Quốc, chứ không phải Lý qua cầu.
Trong tản văn Tống cựu nghinh xuân đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 27-1-2019, nhạc sĩ đã lên tiếng nhận lỗi, khẳng định vai trò đồng tác giả của nhà thơ Bế Kiến Quốc trong bài hát này.
Đừng xuyên tạc Chú voi con ở Bản Đôn
Dưới bài viết, bạn đọc Lê Minh bình luận: “Hiện nay nhiều bản nhạc bị ca sai lời, sai nhịp, thậm chí sai luôn tựa đang rất phổ biến, nếu thấy bản thân mình có khả năng thì hãy tự sáng tác chứ đừng sửa lung tung nhạc của người khác”.
Độc giả Nguyễn Thanh Hiệp cho bản phái sinh có “tiết tấu như một bản nhạc trẻ lai căng”, còn Nguyễn Nhật Đãng bình luận “nên nhanh chóng xin lỗi và xin phép tác giả đi”.
Bạn Le To Ngoc thì nhận xét nghe bản phái sinh “tôi thấy khó tiếp nhận, không còn những cái đẹp được cảm qua bài hát của Phạm Tuyên theo mình suốt tuổi thơ. Mong ngành văn hóa thông tin quan tâm đến vấn đề này, đừng để dạng xuyên tạc bài hát lan tràn”.
Bạn đọc tên Nhật cho “sáng tạo vậy hay mà, đừng nên quá khắt khe với thế hệ trẻ”.
Ngay lập tức những người khác vào bình luận “con ông bị hàng xóm bôi than đen đầy mặt, ông chịu được không?”, “lợi dụng sáng tạo để làm càn, còn nói khắt khe. Chán cho cái mác trẻ này quá”.
Phức tạp hơn trong thời đại số
Hiện gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn chưa biết ai là chủ nhân của bản phái sinh Chú voi con ở Bản Đôn kia.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Phạm Hồng Tuyến – con gái nhạc sĩ – nói thêm, ngày xưa bản thân bà và bạn bè cùng trang lứa cũng hay chế nhạc hát.
Thời đó chưa phổ biến mạng xã hội, YouTube hay TikTok như bây giờ. Hát chủ yếu cho vui trong một nhóm nhỏ bạn bè và cũng không có việc ghi hình rồi đăng lên mạng như hiện nay.
Vì thế độ phổ cập của những bản nhạc chế đó không rộng rãi.
“Song câu chuyện trở nên phức tạp hơn và ảnh hưởng nhiều hơn tới tác giả của ca khúc gốc trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội phát triển. Việc nhận diện thật – giả, bản gốc – bản phái sinh… rất khó”, bà nói.
Ở đây, không bàn tới những ca sĩ chuyên nghiệp chế, phái sinh ca khúc gốc mà nói tới những người hát cho vui, không nhằm mục đích kinh doanh thì sao?
Hiện, đây chính là một bộ phận đông đảo chế nhạc, phái sinh ca khúc rồi lan truyền trên mạng xã hội.
Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, các nhạc sĩ “chắc cũng không quá khắt khe trong việc ca khúc gốc của mình bị chế đi”.
“Nếu muốn ngăn cản cũng khó triệt để. Ở góc độ nào đó nó còn biểu hiện của văn hóa dân gian”, ông Long bình luận. Ông giải thích, người Việt có khiếu hài hước, dí dỏm, hay ví von, hay chế tác, phóng tác…
Tuy nhiên theo ông Long, môi trường Internet tạo điều kiện cho những bản phái sinh, nhạc chế có cơ hội lan tỏa, đòi hỏi một hành xử văn minh hơn.
Nếu vì mục đích vui, không nên cấm. Người chế, phái sinh nên có một lời chú thích hoặc giới thiệu đây là bản phái sinh, không phải bản gốc là được.
Còn nếu người chế, phái sinh có mục đích kinh doanh hoặc có động cơ lấy ca hát làm nghề, khai thác vào các chương trình chính thống thì phải rất rõ ràng về mặt bản quyền tác giả.
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ Online, con gái nhạc sĩ cũng phát biểu, nhạc sĩ Phạm Tuyên rất ủng hộ những tìm tòi, sáng tạo làm mới tác phẩm của ông.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tùy tiện sử dụng, biến đổi bài hát mà không hề xin phép tác giả hoặc biến đổi mà làm mất đi tinh thần ca khúc gốc của tác giả.