Ngày 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 với dự án Luật Nhà giáo.
Dự thảo luật dành Điều 10 quy định về đạo đức nhà giáo. Theo đó, đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ của nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học, cộng đồng. Đạo đức nhà giáo được thể hiện qua các quy tắc ứng xử của nhà giáo trong thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội phù hợp với hoạt động nghề nghiệp.
Điều 11 dự luật cũng quy định những việc không được làm. Trong đó nêu rõ, nhà giáo không được phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức; ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật; công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo…
Đột phá vào những điểm đặc thù của nhà giáo
Quan tâm đến các quy định này, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải chia sẻ: Trong lúc đang xây dựng và thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, có một số hiện tượng diễn ra khá đau xót, ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo đang bị phản ánh trên truyền thông.
Bà Hải dẫn chứng việc cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền để mua máy tính hoặc hình ảnh cô giáo thân mật quá mức với học sinh ngay tại lớp học trước học sinh trong khung cảnh sư phạm tôn nghiêm.
“Vừa sáng nay, tôi đọc báo thấy có vụ việc nhiều giáo viên, thủ quỹ có sai phạm về thu tiền của học sinh, đã chuyển sang cơ quan điều tra tại Bình Thuận. Tôi thấy rất đau xót”, Trưởng Ban công tác đại biểu chia sẻ.
Bà Hải tán thành với các quy định của dự luật về đạo đức nhà giáo như về chuẩn mực về nhận thức, về thái độ, về hành vi trong mối quan hệ nhà giáo với người học, với đồng nghiệp, với gia đình người học.
Ví dụ, có nhiều giải thích cho rằng thầy cô giáo quyên góp, lạm thu có thể do chế độ đãi ngộ, lương của nhà giáo thấp.
“Chúng tôi phải khẳng định chưa bao giờ thầy cô giáo là người giàu trong xã hội. Trong chiến tranh, thầy cô giáo không giàu có về kinh tế nhưng vẫn là những người rất giàu có về tấm lòng, đạo đức, cưu mang học trò, phụ đạo cho học trò”, bà Hải phân tích.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, từ các quy định về đạo đức của nhà giáo dẫn tới vấn đề liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cho người thầy giáo. Tuy nhiên dự luật quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng cho thầy giáo đang được thể hiện hơi ngắn, hơi sơ sài.
“Làm sao đột phá vào những điểm đặc thù của Luật Nhà giáo”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.
Sẵn sàng sửa ngay, sửa đêm, đến bao giờ được thì thôi
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đây là vấn đề ngành giáo dục quan tâm nhưng là luật rất khó, phạm vi tác động lớn, có nhiều nội dung phức tạp.
Với tinh thần khẩn trương nhưng phải thận trọng, kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hết sức quan tâm. Các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Tư pháp “gác cửa” cho luật này về mặt kỹ thuật, không sai từ ngữ, câu chữ, không sai nội dung, chồng chéo với các luật khác.
Nếu hồ sơ dự án luật chỉnh lý lần này thật cụ thể, thật kỹ, đảm bảo yêu cầu thì có thể thông qua theo quy trình 2 kỳ họp, kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9. Nếu sự đồng thuận của Quốc hội chưa cao, còn nhiều ý kiến thì có thể 3 kỳ họp.
“Lâu nay chưa có luật này thì hoạt động nhà giáo vẫn diễn ra bình thường, chúng ta làm luật này phải đảm bảo tuổi thọ cao”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định tinh thần quyết tâm cao, cầu thị có sẵn, cơ quan soạn thảo sẵn sàng sửa ngay, sửa đêm, sửa đến bao giờ được thì thôi.
“Trong cuộc trao đổi với 1,6 triệu giáo viên toàn ngành, phải nói giáo viên rất trông ngóng, kỳ vọng có Luật Nhà giáo”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Liên quan đến các ý kiến về đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khi xây dựng ban soạn thảo cũng cân nhắc xem một số nội dung chi tiết đã thể hiện trong các bộ quy tắc ứng xử, trong các nội dung khác nên không quy định cụ thể trong luật.
Bộ trưởng tiếp cam kết tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo luật để trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.
Dự thảo 5 Luật Nhà giáo gồm 9 Chương 45 Điều (giảm 26 Điều so với dự thảo trình ngày 6/9) dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới đây.
Quy định nhà giáo có thể nghỉ hưu trước 55 tuổi sẽ tạo đặc quyền, đặc lợi
‘Nếu đưa nhà giáo ra khỏi viên chức Nhà nước sẽ là một thiệt thòi rất lớn’
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chua-bao-gio-thay-co-giao-la-nguoi-giau-trong-xa-hoi-2329997.html