Ông cho rằng “nút thắt” của vấn đề đạo đức là phải đặt nhà báo trong các mối quan hệ với nhân vật, mối quan hệ với công chúng, trách nhiệm với Đảng, với nhân dân. Khắc phục, sửa chữa những tồn tại không phải cứ sai đâu sửa đó mà phải giải quyết được “gốc rễ” câu chuyện: Làm sao để người làm báo sống được bằng nghề?
Đạo đức báo chí thì không hề thay đổi
+ Cuốn sách “Nhà báo và sáng tạo báo chí trong tư tưởng Hồ Chí Minh” của ông đã có nhiều tổng kết, đánh giá rất sâu sắc về phong cách, về đạo đức làm báo của Bác Hồ. Thưa ông, soi chiếu những điều căn dặn ấy, trên thực tiễn hoạt động nghề báo hôm nay đã có những thay đổi như thế nào?
– Bác Hồ là một nhà cách mạng đồng thời là một nhà báo bậc thầy. Trước sau như một, Bác luôn đồng nhất nhà báo với người chiến sỹ cách mạng, nhà báo cách mạng là người xung kích trên mặt trận tư tưởng. Phẩm chất người cách mạng như thế nào thì nhà báo như thế. Chưa kể, nhà báo phải có kỹ năng nghề nghiệp bên cạnh phẩm chất. Đạo đức cách mạng nói chung, đạo đức nghề báo nói riêng theo Hồ Chủ tịch được hiểu là phẩm chất tốt đẹp nhất, là gốc của mọi vấn đề trong cuộc sống, nghề nghiệp!
Vẫn còn tình trạng có cơ quan chưa coi trọng việc giáo dục rèn luyện đạo đức cho các nhà báo, thậm chí còn có lãnh đạo cơ quan báo chí chủ trương làm báo để kiếm tiền, bao che cho hành động xấu… |
Bây giờ xã hội có nhiều thay đổi, nghề báo cũng đứng trước nhiều thách thức mới mẻ chẳng hạn như về kinh tế và công nghệ nhưng những căn dặn của Bác vẫn nguyên giá trị và rất thời sự. Tôi lấy một ví dụ, trước đây, nhiều báo mắc lỗi ở trang nhất thì đính chính trang trong, thậm chí thì góc nào khuất, cho chữ nhỏ nhất, đăng kiểu cho xong. Thậm chí không dùng từ “Đính chính” mà nói giảm, nói tránh thành “Nói lại cho rõ”, “Thông tin thêm về bài báo…”. Tôi cứ nhớ lời Bác: “Sai ở đâu phải sửa ở đấy! Vết nhọ trên mặt mà các chú cứ lau ở sau lưng thì làm sao sạch được”! Bác nói thấm thía lắm, càng nghĩ càng thấy hay!
Từ năm 2016, luật quy định mọi sai sót của báo in đều phải đính chính ở trang 2, quy định rõ thể thức đính chính chứ không nói giảm, nói tránh được. Thế nhưng tôi vẫn thấy sai ở đâu phải sửa ở đấy, lỗi ở trang nào phải cáo lỗi ở trang đấy như lời Bác mới là hợp lý và triệt để.
+ Ứng dụng vào cuộc sống nghề nghiệp hiện nay, thì cần hiểu đạo đức nghề báo cụ thể là gì thưa ông?
– Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề rất lớn, nhiều góc nhìn, nhưng hiểu đơn giản là đạo đức con người và đạo đức làm nghề. Anh là nhà báo, trước hết anh phải đảm bảo quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của người bình thường đã. Thứ 2 là đạo đức trong các mối quan hệ nghề nghiệp, chẳng hạn anh có chân thành với công chúng không? có trung thực trong thông tin không?
Trong mối quan hệ của nhà báo với nhân vật trong tác phẩm, trừ những thủ thuật điều tra, bài chống tiêu cực ra, còn lại thì anh có tôn trọng nguồn tin không? Rồi mối quan hệ với đồng nghiệp như thế nào? Đạo đức thể hiện trên mặt báo, thể hiện qua tác nghiệp, mối quan hệ đồng nghiệp với nhau có tử tế không? có chèn ép, có làm khó nhau hay không?
Hoặc là mối quan hệ hỗ trợ nhau làm việc tốt hơn hay là hợp sức “đánh đấm”, vụ lợi? Đó là những mối quan hệ rất bản chất, thực tế. Nhà báo phải được nhìn nhận trong mối quan hệ với nhân vật, mối quan hệ với công chúng, trách nhiệm với Đảng, với Nhân dân và quan trọng nhất là luôn phụng sự cách mạng, phải vì lợi ích của dân tộc.
Chúng ta phải nghiêm khắc với mình và với nghề hơn
+ Câu chuyện về đạo đức báo chí nhắc đến rất nhiều nhưng để giải quyết triệt để những sai phạm thực sự vẫn còn là một bài toán khó. Thưa ông, vì sao vậy?
– Chúng ta đừng nhìn đạo đức nhà báo chỉ ở nghề báo, khi mà xã hội còn có những người này người khác mượn báo chí để làm những việc vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Vẫn còn tình trạng có cơ quan chưa coi trọng việc giáo dục rèn luyện đạo đức cho các nhà báo, thậm chí còn có lãnh đạo cơ quan báo chí chủ trương làm báo để kiếm tiền, bao che cho hành động xấu…
+ Xây dựng từ nền móng bao giờ cũng dễ hơn là việc sửa chữa, điều chỉnh. Ở góc độ báo chí, soi, sửa mình như thế nào cho vừa đúng, trúng lại vừa khéo, thưa ông?
– Đúng là, giống như một ngôi nhà nếu thiết kế từ đầu thì rất dễ nhưng để sửa thì lại là chuyện khác, phải cân đối cái gì làm trước, cái gì làm sau, phải nhìn ra được tương lai sau khi sửa chữa sẽ thế nào? Có những điều chỉ người cùng thuyền mới hiểu cặn kẽ được, bên ngoài nhìn “lâm sàng” không thể nhìn ra, và thậm chí không thể dùng luật pháp để xử lý. Đôi khi không phải khó mà vì chúng ta chưa nghiêm, còn nể nang, vì lợi ích nào đó. Nếu chúng ta coi báo chí “đăng, gỡ”, là bình thường thì sẽ chẳng có quy định nào có thể dẹp bỏ được triệt để sai phạm.
Trong vấn đề này, tôi cho rằng, nên giải quyết với một chiến lược căn cơ, gốc rễ chứ không nên chỉ nhìn vào thực trạng, sai đâu dẹp đó, chạy theo xử phạt. Trước tiên, phải là chuyện tạo cơ chế làm sao để giải quyết bài toán của kinh tế báo chí cho tốt, báo chí phải có luồng để người làm báo có thu nhập tốt, người làm báo sống được bằng nghề, bằng ngòi bút, bằng sự chi trả của xã hội, bằng đặt hàng của Nhà nước.
Thứ hai là, khâu lựa chọn cán bộ, mà cụ thể là lựa chọn người đứng đầu cơ quan báo chí phải xứng tầm, phải hiểu nghề và không có lợi ích khác. Nếu người đứng đầu sai phải có những chế tài xử lý thật nghiêm khắc chứ không thể để có tình trạng lạm quyền, làm biến tướng nghề nghiệp được.
+ Bối cảnh hiện nay, tình hình đất nước có nhiều thay đổi, tôi lại nghĩ về giá trị cốt lõi của báo chí. Thưa ông, để trở lại giá trị cốt lõi ấy, chúng ta cần phải làm gì?
– Giá trị cốt lõi của báo chí, theo tôi phải là một lòng phụng sự đất nước, quốc gia, dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng nói rất thấm thía: “Khi đất nước có chiến tranh, bàn tay ngón dài ngón ngắn, thu hết cả lại để tạo thành nắm đấm, tạo thành sức mạnh đoàn kết đối phó với kẻ thù bên ngoài. Khi thời bình trở lại thì bàn tay ấy lại xòe ra, lại ngón dài ngón ngắn, đa dạng, đa sắc nhưng vẫn là bàn tay thống nhất, anh em!”. Giá trị cốt lõi vẫn là như xưa nhưng cách thể hiện khác đi, chúng ta phải chấp nhận cá tính, chấp nhận sự đa dạng. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn phải là hướng đến giá trị cốt lõi của nghề.
Khi mạng xã hội có nhiều thông tin không chuẩn xác thậm chí sai lệch, đấy là cơ hội để báo chí khẳng định tính chính thống, tính chuyên nghiệp và giá trị đội ngũ của mình. Anh cứ nói thật chuẩn xác, thật công tâm, thật kịp thời, công chúng sẽ tin cậy và tìm đến với anh. Có công chúng là sẽ có nguồn thu, và có công chúng thì mới làm tốt công tác định hướng, công tác tư tưởng được.
Tất nhiên, các cơ quan quản lý cũng cần khuyến khích báo chí mạnh mẽ xung trận, đi thẳng vào vấn đề mới, nóng để định hướng dư luận. Đừng thấy cái gì cũng ngần ngại, cũng “nhạy cảm”. Báo chí cách mạng phải “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” chứ cứ “dịu dàng”, chờ đợi thì làm sao gánh vác được sứ mệnh, làm sao giữ được giá trị cốt lõi của mình?
Trong làng báo, cũng như một cộng đồng xã hội, có mặt này mặt khác, có thuận lợi, có khó khăn. Nhưng dù trong điều kiện thế nào, với tư duy hướng về công chúng, một lòng phụng sự đất nước và Nhân dân, cộng với sự chia sẻ, đồng cảm, hỗ trợ và thực sự thấu hiểu từ phía các cơ quan quản lý, tôi tin báo chí cũng sẽ có lời giải thoả đáng nhất cho chiến lược phát triển của mình.
Khi mạng xã hội có nhiều thông tin không chuẩn xác thậm chí sai lệch, đấy là cơ hội để báo chí khẳng định tính chính thống, tính chuyên nghiệp và giá trị đội ngũ của mình. Anh cứ nói thật chuẩn xác, thật công tâm, thật kịp thời, công chúng sẽ tin cậy và tìm đến với anh. |
+ Vâng, xin cảm ơn ông!
Hà Vân (Thực hiện)