Báo cáo việc đảm bảo cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6 cho biết: Từ cuối tháng 5/2023 đến nay, việc cung ứng điện gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo được nguồn cung nên đã phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện nhằm đảm bảo an ninh, an toàn vận hành hệ thống điện.
Từ đầu tháng 6/2023, EVN đã phải thực hiện tiết giảm điện.
EVN cho hay: Công suất tiết giảm trung bình từ ngày 3-8/6 là 2.500-3.000MW, đến giai đoạn từ 9-15/6 giảm xuống còn 2.000-2.500MW và giai đoạn từ 15-22/6 là 1.200-2.000MW.
Đặc biệt, từ ngày 8-22/6, lượng công suất tiết giảm đối với khu vực TP. Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt, trong đó có 7 ngày không thực hiện tiết giảm, các ngày còn lại chỉ tiết giảm khoảng 15-45MW, chiếm 0,5-1,5% công suất sử dụng của TP. Hà Nội.
Từ ngày 23/6, tình hình cung ứng điện ở miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp.
Theo EVN, tuy đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc từ 23/6, nhưng do hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới, nếu xảy ra tình huống cực đoan như sự cố các nguồn điện lớn ở khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc – Trung… có thể sẽ phải tiết giảm điện cục bộ ngắn hạn trong thời gian khắc phục các sự cố.
Đáng chú ý, đề cập khả năng cung ứng điện thời gian tới, EVN thông tin: Qua rà soát sơ bộ, đối với khu vực miền Bắc, dự báo nhu cầu phụ tải (Pmax) tăng xấp xỉ 10%/năm (tương ứng tăng thêm 2.400-2.900 MW/năm) trong khi các nguồn điện mới dự kiến đưa vào thêm trong năm 2024 khoảng 780MW, năm 2025 khoảng 1.620MW.
Do đó, việc cấp điện tại miền Bắc tiếp tục gặp nhiều khó khăn đặc biệt giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thuỷ điện xuống thấp.
EVN đang tính toán, nghiên cứu cẩn trọng và sẽ triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cũng như sẽ có các kiến nghị đối với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và sẽ xin báo cáo chi tiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4443/VPCP-CN ngày 15/6/2023 trong tháng 7/2023.
EVN đánh giá: Thời gian qua, tập đoàn đã rất trách nhiệm, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành liên quan đến cung cấp điện. EVN cũng liên tục chỉ đạo các đơn vị lập kế hoạch vận hành, chuẩn bị các phương án để đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2023.
Tuy nhiên, thực tế với sự biến động rất nhanh của các yếu tố khó khăn trong giai đoạn tháng 4, tháng 5/2023 dẫn đến tình trạng thiếu nguồn, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc.
Các yếu tố khó khăn đó là nước về các hồ thuỷ điện rất kém và thay đổi rất nhanh do ảnh hưởng của hạn hán. Trong 3 tháng đầu năm, nước về các hồ thủy điện tương đương so với kế hoạch năm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4, nước về các hồ thủy điện suy giảm đột ngột và kéo dài cho đến cuối tháng 6 dẫn đến sản lượng thuỷ điện bị thiếu hụt trong tháng 4 và 5 do nước về kém khoảng 2 tỷ kWh so kế hoạch đầu năm.
Một số tổ máy nhiệt điện sự cố dài ngày, chưa đưa vào vận hành theo kế hoạch khoảng 2.100 MW.
“Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục trong thời gian tới”, EVN báo cáo.