“Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.
Đó là mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của PetroVienam, được Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng nêu rõ tại Hội nghị Cán bộ quản lý và người đại diện năm 2023.
Tổng giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị Cán bộ quản lý và người đại diện năm 2023. (Nguồn: PVN) |
Tại Hội nghị, Tổng giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng đã thông tin về cơ sở xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là dựa trên các Nghị quyết lớn của Chính phủ như Nghị quyết số 55, Nghị quyết 36 và đặc biệt là Nghị quyết số 41. Ngành Dầu khí Việt Nam cũng đã có những cơ sở pháp lý và quyết định của Thủ tướng Chính phủ để làm căn cứ xây dựng, phát triển.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển của PetroVietnam đã giải quyết một số nhóm vấn đề gồm giải quyết được những thách thức, các khó khăn và tận dụng các cơ hội thông qua việc tập trung nguồn lực một cách có trọng tâm; xác định, định vị được vấn đề cốt lõi; tích cực đổi mới mô hình kinh doanh, xác định các sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực của Tập đoàn; tập trung cải tiến hoạt động và tạo mức cạnh tranh trong những năm tiếp theo; tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước; tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ ngành liên quan tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia.
Cũng trong khoảng thời gian đó, PetroVietnam gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ của Nghị quyết 41, đó là việc phải ứng phó với 2 kỳ giá dầu suy giảm; tình hình Biển Đông nhiều biến động phức tạp; cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Dầu khí còn nhiều bất cập; trữ lượng, tiềm năng dầu khí không như mong đợi; việc nhận bàn giao một số dự án yếu kém từ các đơn vị khác gây khó khăn cho PetroVietnam trong công tác quản lý, phân bổ nguồn lực…
Vượt qua những khó khăn đó, PetroVietnam thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xác định được mục tiêu và giá trị cốt lõi để xây dựng, phát triển Tập đoàn trong tương lai.
“Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – đó là định hướng, là mục tiêu trong thời gian tới của PetroVietnam”, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đó, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đã đưa ra 8 nhóm giải pháp để toàn Tập đoàn thực hiện. Một là, quản trị tốt nguồn nhân lực. Hai là, tập trung thúc đẩy hoàn thiện đồng bộ các thể chế và cơ chế. Ba là, phát triển công tác quản trị doanh nghiệp. Bốn là, tích cực chuyển đổi số. Năm là, đẩy mạnh khoa học công nghệ. Sáu là, tập trung mở rộng và tích hợp trong công tác mở rộng thị trường và nâng cao thị phần cho các sản phẩm chủ lực. Bảy là, tập trung tối ưu công tác đầu tư và tài chính. Tám là, đẩy mạnh xây dựng văn hoá doanh nghiệp.
NMNĐ Thái Bình 2 thành công hòa lưới điện đồng bộ Tổ máy số 1 trước sự chứng kiến của lãnh đạo Ủy ban QLVNN, tỉnh Thái Bình và PetroVietnam. (Nguồn: PVN) |
Hội nghị Cán bộ quản lý và Người đại diện PetroVietnam năm 2023 được tổ chức nhằm khẳng định rõ mục tiêu phát triển của Tập đoàn, tổng kết lại những kết quả, thành tựu mà lãnh đạo và người lao động của PetroVietnam đã nỗ lực, cố gắng đạt được trong thời gian qua.
Sự kiện cũng đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu đã giúp PetroVietnam vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành thực hiện sản xuất kinh doanh. Qua đó thống nhất các giải pháp nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ quản lý và người đại diện, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn, thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước, nhưng nhờ quyết liệt, hiệu quả trong quản trị, điều hành, PetroVietnam đã duy trì hoạt động SXKD an toàn, ổn định, đạt kết quả cao, tăng trưởng qua các tháng, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP cả nước, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Kết thúc năm 2022, PetroVietnam đạt kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô với 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch năm; sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn, vượt 17% kế hoạch, xuất khẩu 606 nghìn tấn, đóng góp 37,4% giá trị xuất khẩu phân bón; sản xuất xăng dầu đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 931,2 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước với 170,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Tính đến hết tháng 7/2023, tất cả các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 3-28%; một số chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, gồm: sản xuất điện tăng 62,3%; sản xuất xăng dầu tăng 5,4%; khai thác khí tăng 0,6%; LPG tăng 1,6%; sản xuất đạm từ Cà Mau tăng 3,3%; NPK Cà Mau tăng 13,1%. Trong 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 495,7 nghìn tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch 7 tháng và đạt 73% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm 2023, về đích trước 5 tháng.
Năm 2023, giá trị thương hiệu PetroVietnam đạt 1,382 tỷ USD (tăng 7% so với năm 2022 là 1,296 tỷ USD) với chỉ số sức mạnh thương hiệu ở mức AA-. Đây là năm thứ 4 liên tiếp PetroVietnam góp mặt trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.