Chia sẻ với Tạp chí Năng lượng Mới, TS Dư Văn Toán – chuyên gia năng lượng tái tạo (NLTT), Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hiện đang có lợi thế rất lớn trong chuyển dịch năng lượng và hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, điện gió ngoài khơi (ĐGNK).
Việt Nam có tiềm năng đa dạng các nguồn NLTT
PV: Theo ông vì sao cần phải đẩy mạnh các dạng NLTT, đặc biệt là ĐGNK?
TS Dư Văn Toán: Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự biến đổi khí hậu, nắng nóng và băng tan trên toàn thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nếu không có hành động quyết liệt nào, nhiệt độ có thể tăng thêm 6°C trong năm 2030, băng sẽ tan hết. Tại COP25 và COP26, nhiều nước đã cam kết giảm thiểu khí nhà kính, trong đó Việt Nam cam kết đến năm 2050. Trước thực tế đó, NLTT được quan tâm hơn bao giờ hết.
Trong các loại điện, điện gió trên bờ có phát thải khí carbon thấp nhất, tiếp đến là ĐGNK. Theo các nhà khoa học dự báo, đến năm 2050, ĐGNK có thể chiếm 30% trong số các nguồn điện có mặt trên thế giới. Có thể thấy ĐGNK đang và ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh phát triển.
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện sử dụng NLTT (điện gió và điện mặt trời). Để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tỷ trọng công suất NLTT sẽ tăng dần: Năm 2020 đạt 25%; 2030 đạt gần 32%, năm 2045 đạt gần 58%.
PV: Là một trong những chuyên gia về NLTT, ông có đánh giá như thế nào về những nguồn NLTT ở Việt Nam hiện nay?
TS Dư Văn Toán: Ở Việt Nam, các nguồn tài nguyên để khai thác NLTT khá đa dạng, phong phú, điển hình như thủy điện, năng lượng phát điện từ mặt trời, từ sức gió… Ngoài ra, là các nguồn năng lượng từ sinh khối, địa nhiệt, thủy triều, sóng, dòng chảy, thủy nhiệt…
Tính đến năm 2022, tổng công suất các nguồn điện NLTT ở nước ta lên đến 20.626 MW, được đánh giá là một trong những quốc gia phát triển NLTT nhanh trên thế giới.
Chính nhờ sự tiến bộ và giảm giá thành của các loại hình công nghệ phát điện từ NLTT, Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 đã có khoảng gần 20 nghìn MW điện mặt trời được lắp đặt và cung cấp vào hệ thống lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, trong 2-3 năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ về giá, năng lượng gió cũng đạt hơn 5 nghìn MW. Điều này cho thấy nước ta có sự đa dạng về các nguồn NLTT. Trên tổng thể khu vực ASEAN, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 1, thứ 2 về phát triển các nguồn điện NLTT từ gió, mặt trời.
Ngoài ra, chúng ta còn sử dụng thêm nguồn năng lượng sinh khối, có khoảng 400 MW điện sinh khối đã được cung cấp. Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ, nước ta có thể bổ sung thêm nhiều nguồn NLTT mới, đặc biệt, năng lượng gió ngoài khơi đang có tiềm năng lớn trong khai thác và sử dụng. Việc ngành NLTT nói chung tham gia phát điện, sản xuất năng lượng xanh phục vụ lưu trữ, phục vụ phương tiện giao thông… sẽ góp phần thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu, khí, than đá… Điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Petrovietnam có thể làm chủ công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng sạch
PV: Tiềm năng là như vậy, song để có thể khai thác, phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng sạch thì Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành cần phải làm gì, thưa ông?
TS Dư Văn Toán: Tôi được biết, đối với ĐGNK, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện xong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP; trong đó có các quy định về cấp phép điều tra, khảo sát để xây dựng dự án ĐGNK. Dự thảo mới đã bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự thẩm định, ban hành văn bản chấp thuận đo đạc, quan trắc, đánh giá tài nguyên biển.
Thời gian qua, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo đã thực hiện nghiên cứu các khu vực xây dựng trang trại điện gió tiềm năng tại Việt Nam bằng công nghệ GIS kết hợp cho 12 tiêu chí. Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu đã thành lập bản đồ khu vực xây dựng các trang trại gió tiềm năng trong khu vực nghiên cứu, phản ánh tương đối đúng với bản đồ tiềm năng gió ngoài khơi tại Việt Nam trong phạm vi 200km thuộc Chương trình hỗ trợ quản lý năng lượng của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019.
Trong tổng hơn 600.000km2 diện tích khu vực nghiên cứu, khu vực tiềm năng có khả năng xây dựng chiếm hơn 21,62% tương đương 130.229,97km2. Trong đó, diện tích khu vực tiềm năng xây dựng điện gió gần bờ (khu vực có độ sâu nước dưới 20m) gần 14.330km2 ứng với 11% trong tổng diện tích khu vực tiềm năng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.
Diện tích tiềm năng còn lại là ĐGNK chiếm 89% (gần 116.000km2), cụ thể: ĐGNK móng cố định (độ sâu mực nước dưới 50m) chiếm 35,23% – ứng với 45.879,40km2, phân bố tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Còn lại hơn 70.024km2 (53,77%) diện tích khu vực có tiềm năng xây dựng các điện gió móng nổi với độ sâu mực nước 50-1.000m, phân bố hầu như xa bờ các tỉnh, thành như Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Để ĐGNK phát triển một cách mạnh mẽ, tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần xây dựng khung pháp lý cho NLTT và ĐGNK như luật và các văn bản nghị định, thông tư, tiêu chuẩn quốc gia…
Bên cạnh đó, cần khoanh định chi tiết hóa diện tích các khu vực không gian biển kỹ thuật trên bản đồ biển, thuộc các tỉnh, các đới gần bờ, ngoài khơi; không gian biển cụ thể (tỉnh, tọa độ) theo Quy hoạch điện VIII (đến năm 2030 là 6.000 MW, 2050 là 87-91,5 GW). Quy hoạch không gian biển quốc gia cần xem xét không gian biển cho ĐGNK khoảng 90-100 GW (cả ven bờ và ngoài khơi) với diện tích biển (định mức 10 MW/km2) khoảng 10.000km2. Mức tối đa có thể là 20.000km2, tức 5 MW/km2 phân theo các lô, vị trí… Trong đó, có không gian biển cho điện gió xuất khẩu và cho nội địa.
Để củng cố tính pháp lý, cần luật hóa không gian biển đối với các ngành cố định như ĐGNK, nuôi biển, dầu khí, cáp biển, mạng Internet, hàng hải, an ninh quốc phòng…
Petrovietnam có rất nhiều lợi thế trong phát triển NLTT
PV: Ông có đánh giá gì về tiềm năng, lợi thế của Petrovietnam trong việc tham gia khảo sát, đánh giá và phát triển các dạng năng lượng mới, NLTT ngoài khơi như hydrogen, ĐGNK, amoniac…?
TS Dư Văn Toán: Là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực năng lượng, tôi cho rằng Petrovietnam có rất nhiều lợi thế trong việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, NLTT.
Với bề dày kinh nghiệm thăm dò khai thác vùng thềm lục địa cũng như ở các vùng biển sâu, Petrovietnam có rất nhiều chuyên gia giỏi, có thể tham gia khảo sát, đánh giá tiềm năng kinh tế biển và thềm lục địa Việt Nam.
Bên cạnh đó, với hàng nghìn, hàng vạn kỹ sư, thợ lành nghề, có kinh nghiệm về hàng hải cũng như xây dựng các công trình trên biển, Petrovietnam nói chung và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nói riêng có thể sẽ là doanh nghiệp đột phá, đi đầu trong công tác xây dựng lắp đặt, vận hành các công trình trên biển như điện gió, năng lượng mặt trời trên biển, hydrogen…
Ngoài ra, PTSC cũng có thể trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong việc cung cấp các thiết bị cho NLTT, như chân đế điện gió hoặc các bến cảng, tàu thuyền chuyên dụng cho ĐGNK…
TS Dư Văn Toán trong một buổi hội thảo
PV: Vậy còn những thách thức để phát triển ĐGNK là gì, thưa ông?
TS Dư Văn Toán: Thách thức lớn nhất trong phát triển ĐGNK là cấp phép khảo sát năng lượng gió ngoài khơi để lập dự án nghiên cứu khả thi. Mặc dù chúng ta có một số khoản trong Luật Tài nguyên biển, Luật Quy hoạch nhưng chưa có cơ chế rõ ràng.
Cụ thể, Điều 8 Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam quy định: Chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện gió khi có báo cáo số liệu đo gió trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng.
Điều 5 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15-1-2019 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió quy định: “Dự án điện gió phải có báo cáo kết quả đo gió tại khu vực dự án trước khi lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc đo gió được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 12 tháng liên tục tại các vị trí có tính đại diện, số lượng cột đo gió đảm bảo phù hợp với sự biến đổi địa hình khu vực dự án…”.
Vấn đề cấp phép khảo sát năng lượng gió ngoài khơi trước đây chưa rõ ràng nay được điều chỉnh và dự kiến ban hành theo mẫu hồ sơ mới chặt chẽ hơn. Trước đây chỉ cần xin một hồ sơ biển nhưng giờ phải xin cả hồ sơ khảo sát, đánh giá biển. Hiện tại chúng ta mới có 3 dự án được cấp phép khảo sát đánh giá năng lượng, 40 hồ sơ đang chờ nhưng chưa được cấp phép.
Rất mừng là ngày 28-6 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết đã xác định phạm vi quy hoạch; đề ra các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá; xây dựng định hướng bố trí sử dụng không gian và phân vùng sử dụng cho từng khu vực. Đồng thời, Nghị quyết đề ra các giải pháp và nguồn lực để thực hiện quy hoạch cũng như Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghị quyết cũng đặt ra 5 vấn đề trọng tâm và 4 khâu đột phá có tính then chốt, sức lan tỏa lớn và tạo động lực cho phát triển. Cụ thể, 5 vấn đề trọng tâm gồm: Thứ nhất là, hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó xây dựng các tiêu chí, quy chế xử lý những vấn đề phát sinh đối với những vùng chồng lấn, mâu thuẫn sử dụng trong khai thác, sử dụng không gian biển; hoàn thiện các chính sách phát triển năng lượng sạch, tái tạo và kinh tế biển mới; ban hành hướng dẫn, quy định triển khai phân vùng sử dụng không gian biển cấp địa phương.
Petrovietnam có thể làm chủ công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng sạch
Thứ hai là, xây dựng hạ tầng biển; trong đó chú trọng những lĩnh vực trọng điểm như cảng biển và giao thông kết nối cảng biển với nội địa, thông tin liên lạc biển, hạ tầng kinh tế số…
Thứ ba là, xây dựng các thiết chế văn hóa biển, đảo; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa biển, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của cư dân vùng biển, đảo; tổ chức tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Thứ tư là kiểm soát và quản lý các nguồn thải và giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường; phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái để tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ biển. Thứ năm là đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo; tăng cường đào tạo nhân lực biển và nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ những ngành kinh tế biển mới.
4 khâu đột phá gồm: Một là tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics gắn với phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và vận tải biển. Hai là phát triển du lịch biển, đảo bền vững, có trách nhiệm, sáng tạo gắn với phát triển đô thị đảo xanh, thông minh.
Ba là đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp, chống chịu cao, ưu tiên phát triển nuôi biển và đánh bắt xa bờ, gắn với bảo tồn biển và văn hóa biển. Bốn là phát triển nhanh và bền vững các loại năng lượng sạch, xanh từ biển, ưu tiên phát triển ĐGNK, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và phát triển ngành dầu khí, khoáng sản rắn, vật liệu xây dựng ở đáy biển.
Mặc dù vậy vẫn còn một vài “điểm nghẽn” như: trong quy hoạch khai thác trong Quy hoạch điện VIII chưa nói rõ là sẽ làm 86KW ĐGNK ở khu vực nào. Hiện tại Luật NLTT cũng chưa có, gây ra những khó khăn trong pháp lý để phát triển ĐGNK.
Bên cạnh đó với xuất khẩu ĐGNK, ta chưa có quy hoạch cho vùng xuất khẩu riêng. Pháp luật cũng chưa quy định rõ là dự án xuất khẩu do ai ban hành, trình tự như thế nào và tiêu chí để xuất khẩu ra sao? Đó chính là những thách thức trong việc phát triển ĐGNK của nước ta…
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Với hàng nghìn, hàng vạn kỹ sư, thợ lành nghề, có kinh nghiệm về hàng hải cũng như xây dựng các công trình trên biển, Petrovietnam nói chung và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nói riêng có thể sẽ là doanh nghiệp đột phá, đi đầu trong công tác xây dựng lắp đặt, vận hành các công trình trên biển như điện gió, năng lượng mặt trời trên biển, hydrogen…
Minh Khang
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/9f278a44-4076-4a16-b1f8-ca2554a837c1