Tạp chí Forbes vừa cập nhập thông tin tài sản các doanh nhân Việt vào đầu năm Ất Tỵ. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, trở lại danh sách tỷ phú USD sau khi bị mất vị trí này trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong phần lớn thời gian năm 2024, ông Nguyễn Đăng Quang nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Theo Forbes, tính tới ngày 2/2 (mùng 5 Tết), ông Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản tròn 1 tỷ USD, xếp thứ 2.718 trên thế giới. Ngày 23/1, tài sản của ông Quang xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD. Đây không phải là lần đầu tiên ông Quang ra khỏi danh sách Forbes.

Tính tới 2/2, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) kiêm CEO VinFast (VFS) Phạm Nhật Vượng có tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, không đổi so với cuối năm trước nhưng thứ hạng giảm từ 839 xuống 842 thế giới. Đầu năm 2024, tài sản của ông Vượng ở mức 4,6 tỷ USD.

So với trước Tết Nguyên đán, tài sản của Chủ tịch VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn ở mức 2,8 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương (Thaco) và gia đình ghi nhận tài sản đứng yên ở mức 1,3 tỷ USD.

Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh ghi nhận tài sản tăng từ 1,7 tỷ USD lên 1,8 tỷ USD. Tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long tăng thêm 100 triệu USD, lên mức 2,3 tỷ USD.

typhuUSDForbes2025Feb2.gif
Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes. Biểu đồ: M.H

Như vậy, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất trong danh sách của Forbes, cũng như theo tài sản quy ra từ cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Vượng giữ vị trí số 1 từ năm 2010 tới nay.

Vị trí trong bảng xếp hạng của nhiều tỷ phú Việt Nam trên Forbes suy giảm do thế giới ghi nhận số phiên cổ phiếu tăng điểm nhiều hơn so với giảm trong khoảng thời gian Việt Nam nghỉ Tết. Mức thay đổi không nhiều, các tỷ phú Việt Nam vẫn nằm ở phía dưới của bảng xếp hạng.

Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại bảng xếp hạng sau khi Masan (MSN) công bố kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Lợi nhuận cả năm 2024 đạt 2.000 tỷ đồng, tăng gấp gần 4,8 lần so với năm trước. Doanh thu đạt gần 83.200 tỷ đồng, tăng 6,3%. Lợi nhuận trong quý IV/2024, tăng gấp 13,8 lần cùng kỳ.

Lợi nhuận của MSN tăng mạnh nhờ tăng trưởng ở mảng tiêu dùng, chi phí lãi vay ròng giảm và một khoản lợi nhuận từ việc bán H.C. Starck Holding GmbH (HCS) cho Mitsubishi Materials Corporation.

Mảng bán lẻ WinCommerce có tăng trưởng doanh thu gần 10% trong năm 2024 nhờ các mô hình cửa hàng mới là WIN (phục vụ người mua sắm ở thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ người mua sắm ở nông thôn).

Năm 2025, nhiều dự báo cho rằng, các tập đoàn lớn Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá khi kinh tế được dự báo sẽ dựa vào tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư công, bất động sản thay vì xuất khẩu và du lịch như năm trước. Nếu tiêu dùng tăng trưởng mạnh, nhiều tập đoàn lớn sẽ hưởng lợi và có thể bứt phá.

Masan Consumer Corporation (MCH) kỳ vọng xu hướng tiêu dùng sẽ có sự phục hồi mạnh trong năm nay. Bên cạnh đó, doanh thu từ các thị trường quốc tế cũng tăng, năm 2024 tăng 22,4% so với năm trước.

MSN đặt kế hoạch doanh thu thuần 80.000-85.500 tỷ đồng, tăng 7-14% tùy điều kiện kinh tế vĩ mô và sự phục hồi của thị trường tiêu dùng. Trọng tâm là mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi.

Hiện giới đầu tư kỳ vọng một số doanh nhân khác có thể lọt danh sách của Forbes, trong đó có ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT.

Cổ phiếu FPT lập đỉnh lịch sử 154.300 đồng/cp (hôm 23/1), vốn hóa đạt kỷ lục gần 230.000 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD). FPT vững vị trí tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, vượt xa Vingroup và Hòa Phát.

Năm 2025, cổ phiếu FPT được dự báo sẽ vẫn hưởng lợi từ xu hướng công nghệ AI đang bùng nổ trên thế giới, quy mô có thể còn gia tăng.

Trong khu vực, số lượng tỷ phú USD tăng khá nhanh. Thái Lan hiện có 26 tỷ phú, với tổng tài sản gần 86 tỷ USD. Singapore có 41 tỷ phú, với tổng tài sản 115 tỷ USD.

1 tỷ phú USD Việt rời danh sách, ông Phạm Nhật Vượng 15 năm liền giữ vị trí topViệt Nam hiện chỉ còn 5 tỷ phú USD theo Forbes tính toán đầu năm 2025 thay vì 6 người như cuối 2024. Ông Phạm Nhật Vượng ghi nhận tài sản giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng.