Lý do công khai do người nộp thuế vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 100 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và điểm g khoản 1 Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Trong đó, đứng đầu danh sách doanh nghiệp nợ thuế là Công ty TNHH Trung Linh Phát nợ thuế trên 195,8 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 11/2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã xử phạt hành chính và ban hành 19 quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ 33 tài khoản của Công ty TNHH Trung Linh Phát, với số tiền hơn 26,3 tỷ đồng, bao gồm 120 triệu đồng tiền phạt và 26,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Công ty TNHH Trung Linh Phát bị xử phạt vì không chuyển số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu vào tài khoản tiền gửi quỹ bình ổn giá tại ngân hàng thương mại. Trung Linh Phát cũng nằm trong danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu dầu diesel thấp hơn hạn mức được phân giao năm 2021 và không gửi đăng ký điều chỉnh khi có thay đổi trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Công ty TNHH Trung Linh Phát thành lập năm 2009, trụ sở tại phố Tiến Yết, thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Công ty có 8 chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định, Tuyên Quang, Vũng Tàu, và Tây Nguyên.
Tại thời điểm thay đổi đăng ký kinh doanh tháng 11/2022, công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó ông Trần Văn Dân sở hữu 51% vốn, bà Thảo góp 6,5%, và phần còn lại thuộc về các cá nhân khác.
Tiếp trước đó, năm 2022, Trung Linh Phát không thực hiện đủ tổng nguồn tối thiểu đối với mặt hàng xăng. Hoạt động kinh doanh của công ty cũng có nhiều dấu hiệu đáng ngờ khi doanh thu năm 2021 tăng từ 3.104 tỷ đồng lên 7.749 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 144 triệu đồng. Tháng 10/2023, Cục Thuế Ninh Bình công bố Trung Linh Phát nợ thuế hơn 178 tỷ đồng.
Bên cạnh Trung Linh Phát, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cũng điểm tên hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế tại địa phương. Trong đó, Công ty cổ phần Viết Thành, mã số thuế 2700340220 nợ trên 112,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Phúc Lộc, mã số thuế 2700561879 nợ trên 12,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình, mã số thuế 2700137067 nợ trên 7,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tô Tiến Phát, mã số thuế 2700415268 nợ trên 9,3 tỷ đồng; Công ty TNHH hạn Hải Chung, mã số thuế 2700272443 nợ trên 9,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hùng Vương, mã số thuế 2700506821 nợ trên 5 tỷ đồng…
Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình Đinh Nam Thắng yêu cầu trong những tháng cuối năm, các đơn vị thuộc, trực thuộc tăng cường thực hiện đúng quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đôn đốc, yêu cầu người nộp thuế tuân thủ pháp luật.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế không để nợ dây dưa kéo dài. Tập trung thực hiện các biện pháp thu nợ vào ngân sách nhà nước đối với người nộp thuế khi hết thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Cùng với đó, toàn đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai, kiểm soát có chất lượng, hiệu quả cao đối với hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hóa đơn điện tử đối với xăng dầu, kinh doanh, chế tác, vàng bạc, đá quý,…
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ cùng với việc đổi mới phương thức làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí.
Nguồn: https://www.congluan.vn/ong-lon-xang-dau-trung-linh-phat-dung-dau-danh-sach-no-thue-tai-ninh-binh-post309958.html