Thông báo của Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc cho biết, vòng đàm phán thứ tư về FTA Hàn Quốc-Malaysia này là vòng chính thức đầu tiên của hai nước sau 5 năm, kể từ các cuộc đàm phán trước đó được tổ chức vào tháng 9/2019.
Việc ký kết FTA song phương Hàn Quốc-Malaysia được kỳ vọng sẽ củng cố cơ sở thương mại và đầu tư của ‘ông lớn châu Á’ này trên khắp khu vực ASEAN. |
Theo thông báo của Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc ngày 23/8, Tổng giám đốc phụ trách đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Hàn Quốc Ryu Peob Min và Giám đốc cấp cao phụ trách đàm phán chiến lược của Malaysia thuộc Bộ Đầu tư, thương mại và công nghiệp (MITI) Sumathi Balakrishnan đang tiến hành vòng đàm phán chính thức thứ tư về FTA Hàn Quốc-Malaysia tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 20-23/8.
Bên cạnh các cuộc đàm phán đang diễn ra về nhóm công tác về thương mại hàng hóa, hai bên sẽ bổ sung thêm các nhóm công tác về dịch vụ, đầu tư, kỹ thuật số, xanh và sinh học với mục đích tạo điều kiện cho một FTA toàn diện, bao gồm việc mở cửa thị trường và các quy tắc thương mại mới.
Là đối tác ASEAN lớn thứ ba và thứ tư của Hàn Quốc về thương mại và đầu tư, Malaysia là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ, trong khi Hàn Quốc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, chất bán dẫn và vật liệu hóa chất tinh chế sang quốc gia Đông Nam Á này.
Xét về cơ cấu thương mại bổ sung, việc ký kết FTA song phương được kỳ vọng sẽ củng cố cơ sở thương mại và đầu tư của Hàn Quốc trên khắp khu vực ASEAN.
Đánh giá nền kinh tế Malaysia có triển vọng tích cực, ổn định và mạnh mẽ nhờ các nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, ông Shan Saeed, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Juwai IQI, mới đây cho rằng, kinh tế quốc gia Đông Nam Á này đang ở giai đoạn tăng trưởng bất chấp khả năng tác động từ một số thách thức toàn cầu như căng thẳng địa chính trị và lãi suất gia tăng ở các nước phát triển.
Chuyên gia này dự đoán GDP của Malaysia sẽ đạt khoảng 4 – 5% vào năm 2024, nếu đảm bảo duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông Shan Saeed, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế vĩ mô vì nó thể hiện nỗ lực của chính phủ Malaysia trong đảm bảo sự ổn định chính sách và tiềm năng tăng trưởng cho đất nước. Và FDI sẽ chảy vào Malaysia từ nhiều nguồn khác nhau như Trung Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến ngày càng quan trọng đối với dòng vốn FDI, khi các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tận dụng ngày càng nhiều lợi thế cạnh tranh của khu vực ASEAN.
Có thể nói, ASEAN hiện đang sở hữu nhiều triển vọng thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI, dựa trên nền tảng của nhiều yếu tố. Trước hết, việc tiếp tục mở rộng mạnh mẽ thị trường tiêu dùng nội địa ở các nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), đặc biệt là Trung Quốc đại lục và Ấn Độ, sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng về nhu cầu đối với nguyên liệu thô, hàng hóa trung gian và sản phẩm chế tạo cuối cùng của ASEAN.
Tăng trưởng kinh tế vững chắc và bền vững đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng về GDP bình quân đầu người ở nhiều thị trường mới nổi lớn nhất châu Á, điều này sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của ASEAN. Trong khi đó, thương mại nội khối ASEAN cũng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở các quốc gia Đông Nam Á lớn và đang phát triển nhanh, đặc biệt là Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Theo dữ liệu sẵn có gần đây nhất của năm 2022, tổng GDP danh nghĩa của 10 nước thành viên ASEAN tính bằng USD lên tới 3.600 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với tổng GDP 1.600 tỷ USD của năm 2009 và cao hơn một chút so với Ấn Độ – quốc gia có GDP đạt 3.500 tỷ USD vào năm 2022.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ong-lon-chau-a-muon-cung-co-quan-he-trong-khap-asean-tai-khoi-dong-dam-phan-fta-voi-quoc-gia-nay-sau-5-nam-283715.html