Dự luật được Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua vào thứ Năm (7/8), theo đó kêu gọi ByteDance – công ty mẹ của TikTok – thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm của Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cũng ủng hộ dự luật, nhưng Thương viện Mỹ chưa có động thái tương tự. Dự luật cần được cả hai bên thông qua trước khi đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden. “Nếu họ thông qua, tôi sẽ ký”, ông Biden trả lời báo giới khi được hỏi về luật.
Nếu được ban hành, dự luật sẽ đặt ra các hạn chế khiến TikTok và các ứng dụng khác của ByteDance không còn xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng của Apple hoặc Google, hoặc trên các dịch vụ lưu trữ web ở Mỹ.
Dự luật có hai hướng triển khai. Thứ nhất, nó yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok và các ứng dụng khác của công ty trong vòng 180 ngày kể từ ngày dự luật ban hành, nếu không những ứng dụng đó sẽ bị cấm ở Mỹ.
Thứ hai, dự luật tạo ra một quy trình hẹp cho phép cơ quan hành pháp cấm quyền truy cập vào một ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance nếu ứng dụng đó gây ra mối đe dọa cho an ninh Mỹ.
Cả FBI và Ủy ban Truyền thông Liên bang của Mỹ (FCC) đều cảnh báo rằng ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu người dùng như lịch sử duyệt web, vị trí và số nhận dạng sinh trắc học cho cơ quan quản lý ở Trung Quốc. TikTok phủ nhận điều này và tuyên bố sẽ không làm như vậy kể cả khi được yêu cầu, đồng thời Mỹ cũng chưa đưa ra bằng chứng TikTok đánh cắp dữ liệu.
Tháng trước, AP và NORC công bố kết quả của một cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề cấm TikTok. Theo đó, 31% người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ lệnh cấm TikTok trên toàn quốc, trong khi 35% phản đối lệnh cấm. Ngoài ra, 31% người trưởng thành cho biết họ không ủng hộ và cũng không phản đối lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video phổ biến này.
Khoảng 170 triệu người dùng TikTok ở Mỹ ít lo lắng về việc ứng dụng chia sẻ dữ liệu của người dùng. Khoảng 25% người dùng hàng ngày cho biết họ “cực kỳ hoặc rất quan ngại” về khả năng chính quyền Trung Quốc thu thập thông tin cá nhân của người dùng Mỹ.
Ngọc Ánh (theo AP)