Ở Sơn La có một nơi trồng ra loại dâu tây quả "khổng lồ" thế này đây, trông thấy ai cũng muốn cắn

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt02/02/2025

Hợp tác xã (HTX) dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là cơ sở có diện tích trồng dâu tây lớn nhất nhì tại địa phương. Gần chục năm ròng gắn bó với HTX, anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế đã đánh thức tiềm năng của cả một vùng núi non rộng lớn.


Dâu tây hoàng đế

Xưởng sản xuất và cũng là trụ sở của HTX dâu tây Xuân Quế của anh Nam nằm bên mặt đường Quốc lộ 37. Thửa đất rộng dài của gia đình anh kéo dài tới tận chân núi. Phía trong có cả hệ thống máy móc hiện đại sấy hoa quả, đóng gói, đóng thùng và có cả kho lạnh. Hệ thống máy móc này phục vụ cho việc sơ chế và chế biến hoa quả của HTX.

HTX của anh nổi tiếng khắp vùng bởi có sản phẩm dâu tây hoàng đế. Hóa ra trên những vườn trồng dâu tây thu được loại quả dâu tây rất to. Nó to bằng cái chén uống nước, tức là gấp 3 đến 4 lần so với quả dâu tây thường. Mỗi quả nặng hơn 100 gram. Nhờ sự đầu tư và chăm sóc xuất sắc, đất Cò Nòi mới tạo ra được quả dâu tây to đến vậy. Theo anh Nam, giá bán loại này không hề rẻ, trên 1 triệu đồng 1kg.

Ở Sơn La có một nơi trồng ra loại dâu tây quả

Những quả dâu tây có trọng lượng trên 100gram của HTX dâu tây Xuân Quế với giá bán trên 1 triệu đồng 1kg. Ảnh: Phạm Hoài.

Chưa tan tuần trà, anh dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất của HTX. Từ quốc lộ 37 đi sâu vào phía trong khoảng 1km là cả một vùng sản xuất rộng lớn. Giữa vùng núi non hiểm trở lại có khu sản xuất rộng thẳng cánh cò bay vài trăm ha như cánh đồng mẫu lớn ở dưới xuôi. Từng ô, từng thửa đã mọc lên màu xanh mơn mởn của cây dâu tây. Điều đáng nói là khu sản xuất nào cũng được đầu tư hệ thống tưới hiện đại. Mỗi gốc dâu tây được lắp một béc tưới tự động.

Dâu tây được trồng thành hàng thành lối, khu nọ nối tiếp khu kia chạy dài tới tận chân núi. Khu sản xuất của HTX cũng được quy hoạch bài bản. Anh Nam bước ra đồng tựa như được trở về với sở trường của mình. Anh bước đi nhanh thoăn thoắt, miệng nói tay làm, anh kiểm tra từng cây dâu tây. Cây nào cây nấy khỏe khoắn và xanh biếc. 

"Đây là giống dâu tây Ha Na của Nhật Bản. Giống này cây khỏe, cho năng suất cao và chất lượng ngon miễn chê. Toàn bộ diện tích 50ha của HTX đều trồng giống dâu tây này", anh Nam tự hào khoe.

Đứng trước cánh đồng mẫu lớn rộng mênh mông, tôi nhẩm tính, mỗi ha dâu tây thu được 15 đến 20 tấn, anh Nam và các thành viên trong HTX sẽ tiêu thụ kiểu gì? Dường như sự băn khoăn của tôi, anh Nam lại không lấy làm lo lắng. 

 "Mấy năm nay, HTX không có đủ dâu tây để bán. Hàng thu hoạch bao nhiêu là có các mỗi đến mua sạch. Chúng tôi còn đang tính lấy đất đâu để trồng dâu tây", anh Nam chia sẻ.

Ở Sơn La có một nơi trồng ra loại dâu tây quả

Theo tính toán của anh Nam, để đầu tư trồng 1ha dâu tây hết trên 300 triệu đồng. Mỗi 1ha thu được khoảng 20 tấn, với giá bán 50.000đ/1kg, người trồng thu được cả tỷ đồng. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo tính toán của anh Nam, để đầu tư trồng 1ha dâu tây hết trên 300 triệu đồng. Mỗi 1ha thu được khoảng 20 tấn, với giá bán 50.000 đồng/kg, người trồng thu được cả tỷ đồng chứ không ít. Cây dâu tây lại không kén đất. Bà con cứ trồng xuống là chúng sinh sôi, phát triển. Chẳng thế mà người Cò Nòi gọi cây dâu tây là cây làm giàu. Nhiều thửa đất không thể trồng ngô, trồng rau được mà cây dâu tây vẫn phát triển được.

Xây dựng hệ thống bán hàng khắp cả nước

Từ một cơ sở trồng dâu tây nhỏ lẻ ban đầu, đến giờ HTX đã trồng được 50ha dâu tây, ước tính sản lượng khoảng 1.000 tấn. Để tiêu thụ hết số lượng dâu tây khổng lồ này là bài toán nan giải. Nhớ lại những ngày đầu bước vào trồng dâu tây, anh Nam gặp muôn vàn khó khăn. 

Người tiêu dùng vốn quen với sản phẩm dâu tây của Mộc Châu. Nói đến cây dâu tây trồng ở Cò Nòi không ai tin. Để bán được hàng, anh Nam đã kỳ công mang dâu tây về Hà Nội giới thiệu. Đến bất cứ một cửa hàng bán hoa quả nào, anh cũng giới thiệu sản phẩm. Không dừng lại ở đó, anh còn đón từng xe khách đỗ ở ngã ba Cò Nòi "chèo kéo" bán dâu tây cho khách. Dù anh có nói về sản phẩm thế nào những cửa hàng và khách hàng khó tính đều chưa tin tưởng.

Ở Sơn La có một nơi trồng ra loại dâu tây quả

Từ một cơ sở trồng dâu tây nhỏ lẻ ban đầu, đến giờ HTX dâu tây Xuân Quế đã trồng được 50ha dâu tây, ước tính sản lượng khoảng 1.000 tấn. Ảnh: Phạm Hoài.

Từ một vài cửa hàng ban đầu tin tưởng nhập hàng, dần dần cửa tiêu thụ dâu tây cũng mở ra với gia đình anh. Dâu tây trồng ở Cò Nòi có hương thơm và độ ngọt đậm hơn so với nơi khác. Sẵn kinh nghiệm tiếp thị dâu tây từ những năm trước, anh còn xây dựng hệ thống bán hàng qua facebook, youtube và tiktok… Cứ mỗi một kênh mở ra, anh lại thu hút được đông đảo khách hàng.

Tiếng lành đồn xa lại có chiến lược trong việc bán sản phẩm nên anh Nam đã kết nối được cả một hệ thống tiêu thụ sản phẩm rộng lớn từ Nam ra Bắc. Từ việc khó bán hàng, đến nay, HTX lại lo không có đủ hàng để bán.

"Cắm" 3 cái nhà để trồng dâu tây

Hành trình gây dựng HTX của anh Nam cũng chứa đầy sự gian khó lẫn tự hào. Trồng dâu tây không khó, nhưng để đầu tư trồng dâu tây phải có tiền. Mỗi ha dâu tây cần chi từ 300 đến 400 triệu đồng. Không phải người nông dân nào cũng có đủ tiềm lực để theo đuổi. Vậy mà anh Nam từ một người đứng trước nguy cơ bị vỡ nợ, dám chuyển sang trồng dâu. Kể lại những tháng ngày khởi nghiệp của mình, anh Nam vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Bố mẹ anh quê ở Ninh Bình. Năm 1977, họ dắt díu nhau lên đất Cò Nòi để khai hoang. Nhà đã nghèo khó, bố mẹ lại sinh tới 7 người con. Cuộc sống khó nhọc, thiếu thốn đó cứ lần hồi trôi qua. Năm 18 tuổi, anh Nam đã lấy vợ. Trước đây cả vựa dâu tây này bà con trồng toàn ngô với sắn. Nông sản thu được không bù được công người trồng.

Những năm tháng khó nhọc, thiếu thốn trăm đường đó cũng dần trôi qua. Khi đó phong trào chăn nuôi lợn đang lan rộng. Anh Nam cũng mạnh dạn đầu tư xây chuồng, nuôi mấy trăm con lợn. Từ một anh nông dân chưa hiểu gì về chăn nuôi quy mô lớn mà anh đã làm cả hệ thống chuồng trại lớn. Sự thất bại là điều không tránh khỏi. Vốn vay ngày một dày hơn. Có giai đoạn, tiền làm ra không đủ trả lãi cho ngân hàng.

Việc nuôi lợn chưa đâu vào đâu, anh Nam mạnh dạn bàn với gia đình, "cắm" thêm sổ đỏ để mua 2 chiếc xe ô tô chạy chở khách du lịch. Khi anh vừa sắm xe năm trước, năm sau xảy ra dịch covid. Công việc vận chuyển bị đình đốn. Anh vội bán 2 chiếc xe đi và cộng khoản lỗ hơn nửa tỷ đồng.

Ở Sơn La có một nơi trồng ra loại dâu tây quả

Khu sản xuất dâu tây của HTX dâu tây Xuân Quế được đầu tư hệ thống tưới hiện đại. Ảnh: Phạm Hoài.

Năm đó ở xã Cò Nòi có lác đác một số hộ dân đã trồng thành công cây dâu tây và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngay trong năm đó, anh Nam lại vay tiền tiếp tục đầu tư vào dự án mới. Năm đó anh trồng 5.000m2.

 "Cây dâu tây khiến tôi bỡ ngỡ vô cùng. Chẳng hiểu gì về cách trồng, chăm sóc. Nhưng tôi vẫn quyết tâm học hỏi và trồng cho bằng được. Tôi tin cây dâu tây sẽ cứu vớt cuộc đời tôi", anh Nam nhắc lại quyết định mở ra hướng làm ăn mới cho mình. 

Ngay trong vụ đầu anh Nam đã thu được hơn nửa tỷ đồng từ vườn dâu tây. Sẵn máu làm ăn, vụ sau anh mở rộng diện tích lên 4 đến 5 năm lần. Sau mỗi năm cây dâu tây mang lại cho anh nguồn thu lớn. Anh Nam trả được nợ và còn mạnh dạn mua thêm đất để mở rộng sản xuất.

Không dừng lại ở quy mô hộ gia đình, năm 2017, anh còn mạnh dạn thành lập HTX dâu tây Xuân Quế, đây là cơ hội để anh mở rộng quy mô hoạt động, cũng như nâng giá trị của cây dâu tây. Đến nay, HTX đã trở thành đơn vị trồng dâu tây lớn nhất đất Mai Sơn. Ước mơ làm giàu của người đàn ông xóm núi chưa dừng lại ở đó. Anh còn đang ấp ủ trồng dâu tây theo hướng hữu cơ.



Nguồn: https://danviet.vn/o-son-la-co-mot-noi-trong-ra-loai-dau-tay-qua-khong-lo-the-nay-day-trong-thay-ai-cung-muon-can-20250126212748556.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available