Cuốn sách ra mắt với mục đích giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc hơn về những đóng góp của những người phụ nữ trong thời kỳ chiến tranh, đặc biệt là nhắc nhở chúng ta nên trân trọng những giá trị độc lập hoà bình đang có được ở hiện tại.
Chia sẻ về lần đầu tiên nghe về “Đường mòn Hồ Chí Minh” cảm xúc khi đó, bà Sherry Buchanan (tác giả cuốn sách) cho biết: “Lần đầu tiên tôi được nghe về chiến tranh Việt Nam, thời điểm đó là những năm 70 của thế kỷ XX khi tôi vừa chuyển đến Mỹ để học. Tôi xem qua vô tuyến, các phương tiện truyền thông đại chúng nói về nước Mỹ thả bom B52 xuống Việt Nam gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đặc biệt, khi đó tôi chưa thể liên hệ trực tiếp để tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam cho đến khi được nghe thông tin cụ thể hơn như đánh bom ở Thủ đô Hà Nội, hay là những thương tích của người dân đang phải hứng chịu…
Có lẽ, đó cũng là động cơ sâu xa khiến cho tôi phải tìm hiểu kỹ hơn về cuốn sách, có nghĩa là đưa những khái niệm có vẻ xa vời trở nên sống động hơn. Cách làm của tôi là nói chuyện với những người phụ nữ đã trực tiếp bảo vệ quê hương, cũng như bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh”.
“Tôi rất tin tưởng vào sức mạnh của việc kể chuyện qua đối thoại, sự hàn gắn để chúng ta có thể hiểu hơn qua nhiều góc nhìn khác nhau theo lối lịch sử, và việc đó trong thời điểm này còn quan trọng hơn bao giờ hết”, tác giả Sherry Buchanan nói thêm.
Nói về cảm xúc khi ghé thăm Hà Nội và thăm sở chỉ huy đầu tiên của đoàn năm 1959, bà Sherry Buchanan cho biết: “Lần đầu tiên tôi bắt đầu tìm hiểu về đường Trường Sơn, trong hình dung của tôi khi đó đây là một chiến dịch rất phức tạp. Nhưng tôi rất ngạc nhiên vì bắt đầu của nó là những số lượng vũ khí, hay khởi đầu rất khiêm tốn, tuy nhiên dần dần nó ngày càng lớn hơn theo thời gian”.
Bày tỏ cảm nhận khi đọc cuốn sách “Đường mòn Hồ Chí Minh”, diễn giả Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Tôi đặc biệt ấn tượng về cuốn sách này, bởi đây là cuốn sách của một tác giả nữ người Mỹ – mà hiện nay tác giả đang sinh sống tại Anh. Tôi cho rằng từ những miền văn hoá như thế, mà lại viết về Trường Sơn, viết về con đường Hồ Chí Minh, tác giả lấy tên “Đường mòn Hồ Chí Minh” thì tôi thấy thực sự ấn tượng.
Tôi có đọc qua, xem qua với tính chất như “Cưỡi ngựa xem hoa”, tôi thấy đây là cuốn sách rất ấn tượng, đặc biệt là cách trình bày về kết cấu theo dạng cung đường từ Bắc vào Nam mà người đọc không cần đọc hết cuốn sách, chỉ cần đọc ngay đoạn giới thiệu, có thể đọc ngay đoạn cuối… những tư liệu liên quan, có thể đọc từng chương từng đoạn. Như vậy đây là cuốn sách rất gọn ghẽ, và được cách nhìn rất phong phú của người phụ nữ mang quốc tịch Mỹ hiện đang sinh sống tại nước Anh viết về những năm tháng chiến tranh do Đế quốc Mỹ gây lên tội ác cho Việt Nam”.
Trong cuốn sách này, tác giả đề cập và khai thác rất nhiều về những nữ thanh niên xung phong và những người phụ nữ trên tuyến đường Hồ Chí Minh, một cách khai thác rất ấn tượng. Đặc biệt, 5 con đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam theo cảm xúc của tác giả thì đây là những con đường huyền thoại, những con đường thể hiện sức mạnh, ý chí niềm tin và khát vọng độc lập của Việt Nam. Và chúng ta đã làm nên kỳ tích khai thác về mỗi con đường mà hiện nay có nhiều sách báo nói nhưng cũng chưa nói hết được tính chất huyền thoại, tính chất kỳ vĩ của nó.
“Tôi cho rằng đây là một trong những cuốn sách đề cập thiên về những người phụ nữ, vai trò của người phụ nữ tham gia trong chiến dịch Hồ Chí Minh trên Dải Trường Sơn, và nhất là cách thể hiện có cách nhìn mới, không bị chi phối nhiều bởi chiến tranh. Đặc biệt, tôi ấn tượng là khi tác giả có cuộc hành trình trên con đường Hồ Chí Minh suốt từ Hà Nội vào TP. HCM và sang bên Lào”, diễn giả Nguyễn Văn Sáu bày tỏ.
Theo diễn giả Nguyễn Văn Sáu, những sự kiện như ngày hôm nay sẽ góp phần làm cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp và mở ra một trang mới. Đặc biệt, những cuốn sách của tác giả Sherry Buchanan sẽ góp phần làm thêm mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ càng trở nên tốt đẹp hơn, khép lại quá khứ để chúng ta hướng tới tương lai. Giống như Dải Trường Sơn ngày xưa khốc liệt như thế, thì bây giờ Dải Trường Sơn đã xanh lại, đẹp lại và huyền thoại lại so với những năm tháng chiến tranh.
“Chúng ta không muốn có chiến tranh để tạo lên những đường Trường Sơn huyền thoại, nhưng chính chúng ta nên gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, nhờ có chiến tranh phẩm giá con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, tình yêu hoà bình và tình yêu dân tộc để chúng ta làm nên những huyền thoại đó là có cơ sở, điều kiện để phát tác và nhân lên những điều diệu kỳ của con người Việt Nam”, diễn giả Nguyễn Văn Sáu nói thêm.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nha-xuat-ban-phu-nu-viet-nam-ra-mat-sach-duong-mon-ho-chi-minh-post314461.html