Mỗi năm, Công đoàn các cấp luôn dành một nguồn lực lớn để hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, người lao động (NLĐ) thông qua tặng quà, thăm hỏi khi ốm đau, xây dựng mái ấm Công đoàn…
Kinh phí đó có được là nhờ nguồn lực đến từ phí Công đoàn. Do đó, trong Luật Công đoàn (sửa đổi), phí Công đoàn tiếp tục được duy trì để bảo đảm nguồn lực chăm lo cho cuộc sống chính đoàn viên Công đoàn và NLĐ.
Hàng năm, mỗi dịp Lễ, Tết, hay khi trong doanh nghiệp có người gặp rủi ro tai nạn, ốm đau… cán bộ Công đoàn luôn là những người có mặt đầu tiên để thăm hỏi, động viên đoàn viên Công đoàn, NLĐ. Riêng “Tết Sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỷ đồng. Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm quyền lợi thì chăm lo cho đời sống đoàn viên Công đoàn, NLĐ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Công đoàn các cấp. Ngoài những hoạt động kể trên, Công đoàn còn có những hoạt động như khen thưởng động viên con em cán bộ, công nhân, NLĐ có thành tích; tổ chức các ngày Lễ cho phụ nữ; tặng quà cho các cháu thiếu nhi dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6… Kinh phí phục vụ cho các hoạt động đó chủ yếu lấy từ phí Công đoàn do chính đoàn viên Công đoàn đóng góp hàng năm.
Về việc sử dụng nguồn kinh phí Công đoàn, hiện nay 75% kinh phí Công đoàn được để lại tại Công đoàn cơ sở để chăm lo cuộc sống đoàn viên. Để ngày càng phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn trong chăm lo cuộc sống, bảo vệ quyền lợi NLĐ, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Luật Công đoàn (sửa đổi) được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến các đại biểu, tiến tới chính thức thông qua. Trong đó, vấn đề phí Công đoàn được nhiều đại biểu quan tâm. Đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành tiếp tục duy trì kinh phí Công đoàn 2% là phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo quán triệt và thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện của Đảng đối với tổ chức Công đoàn. Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và NLĐ ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo NLĐ tham gia.
Cùng với đó, sửa Luật Công đoàn cần kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện vừa qua. Sửa Luật có tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; bảo đảm phù hợp với thể chế chính trị, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể là Nghị quyết 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” nêu rõ xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong đó nhấn mạnh: “Duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí Công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Chăm lo, cùng với bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, NLĐ là 2 trụ cột của hoạt động Công đoàn. Nhưng chăm lo, không chỉ là động viên tinh thần, chia sẻ bằng lời nói mà bắt buộc phải có nguồn lực kinh phí. Vì vậy, phí Công đoàn lâu nay, gần như là nguồn lực duy nhất để tổ chức Công đoàn thực hiện trách nhiệm chăm lo cho NLĐ.
Do đó, khi tổ chức Công đoàn các cấp có nguồn lực đủ mạnh từ việc thu phí Công đoàn luôn đảm bảo, ổn định, thì chắc chắn công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, NLĐ cũng như việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ… trong từng doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện tốt, hiệu quả hơn. Đây chính là nguồn lực tài chính có tính nền tảng để tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh hơn trong việc thu hút đông đảo NLĐ tham gia vào tổ chức, đồng thời tạo niềm tin, chỗ dựa, sự gắn kết tình cảm bền chặt để NLĐ ở lại với tổ chức của mình.
Từ nguồn tài chính Công đoàn, các mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”… lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Điển hình như Tháng Công nhân được triển khai cùng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động đã tổ chức thăm, động viên, tặng quà hơn 3,8 triệu lượt công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, với tổng số tiền hàng nghìn tỉ đồng. Bảo đảm nguồn phí Công đoàn đồng nghĩa bảo đảm nguồn lực để Công đoàn hướng đến NLĐ một cách thiết thực.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nuoi-duong-nguon-luc-de-cham-lo-nguoi-lao-dong-10293228.html