Nhiều mô hình khuyến nông như nuôi dê Bách Thảo, nuôi ốc bươu đen, nuôi ếch và nuôi heo rừng lai trên địa bàn huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) đang mở ra nhiều triển vọng để người dân địa phương nhân rộng, phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.
Nuôi dê Bách Thảo cho thu nhập cao
Những ngày đầu năm 2023, chúng tôi tìm về Thôn 4, xã Quảng Trị thăm mô hình chăn nuôi dê Bách Thảo khép kín của gia đình ông Đặng Văn Vĩnh.
Vừa bận rộn nổ máy thái cỏ cho đàn dê hơn 100 con ăn, ông Vĩnh chia sẻ, trước đây, cũng như bao hộ dân khác tại địa phương, nguồn thu nhập chính của gia đình dựa vào hơn 4 sào trồng dâu, nuôi tằm.
Ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm cặp bò để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và chăm lo cho các con học hành. Làm lụng vất vả quanh năm, nhưng kinh tế gia đình cũng chỉ ở mức trung bình khá.
Giữa năm 2021, cơ duyên đến với gia đình khi ông tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do ngành Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh tổ chức.
Thông qua lớp tập huấn, nhận thấy mô hình nuôi dê Bách Thảo sinh sản khép kín phù hợp với điều kiện gia đình nên ông Vĩnh đã mạnh dạn đăng ký phát triển mô hình thí điểm.
Được hỗ trợ 35 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích lũy, ông đầu tư xây dựng chuồng trại và bắt đầu khởi nghiệp từ 20 con dê giống Bách Thảo. Vừa chăn nuôi, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, gia đình ông đã mở rộng quy mô đàn dê lên hơn hơn 100 con; đồng thời, đã xuất bán hơn 30 con dê trưởng thành.
Mô hình nuôi dê Bách Thảo khép kín của gia đình ông Đặng Văn Vĩnh (xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng)) đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Từ những kết quả mang lại, gia đình tôi xác định phát triển đàn dê theo mô hình nuôi nhốt khép kín, nên tôi đã chuyển 2 sào đất trồng dâu qua trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê.
Nhờ vậy, đàn dê luôn khỏe mạnh và sinh sản đều, gần như không bệnh tật. Hiện tại, tôi đang xây dựng thêm chuồng trại để nhân rộng đàn dê sinh sản với quy mô từ 200 – 250 con”, ông Vĩnh chia sẻ.
Ông Đặng Sỹ Tín – Chủ tịch UBND xã Quảng Trị cho biết: “Từ những hiệu quả mô hình nuôi dê của ông Vĩnh mang lại, đến nay, đã có thêm 3 hộ dân khác trong xã đầu tư nuôi dê phát triển kinh tế, với quy mô từ 20 – 30 con/hộ. Tới đây, địa phương tiếp tục thẩm định những hộ dân đảm bảo điều kiện để có hướng hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này”.
Thêm nhiều mô hình chăn nuôi mới, triển vọng thu nhập tốt hơn
Cùng với mô hình nuôi dê Bách Thảo, gần đây, huyện Đạ Tẻh cũng đã thí điểm để người dân phát triển nhiều mô hình chăn nuôi mới như nuôi ốc bươu đen, nuôi heo rừng và nuôi ếch.
Mô hình nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) được huyện Đạ Tẻh hỗ trợ triển khai thí điểm tại một số hộ dân trên địa bàn các xã Quốc Oai, An Nhơn và Đạ Lây. Đến nay, các mô hình đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi của người dân.
Ông Đặng Đình Hồng ở thôn Hà Tây (xã Quốc Oai), cho biết, trước đây, ao của gia đình chủ yếu thả các loại cá trắm, rô phi nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cuối năm 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương, ông đã xuống giống 2 lồng ốc bươu nuôi trong ao.
Hiện tại, ông đã nhân rộng được 4 lồng ốc bươu với hàng chục ngàn con. 1 kg ốc bươu thịt được bán với giá 70 – 75 ngàn đồng; ốc bươu giống mới ấp nở được có giá từ 350 – 400 đồng/con.
Theo ông Hồng, nuôi ốc bươu rất đơn giản, thức ăn chủ yếu tận dụng những thứ có sẵn như củ sắn, các loại rau, xơ mít nên gần như không tốn kém chi phí chăm sóc.
Đặc biệt, ốc bươu chỉ bỏ vốn mua giống 1 lần rồi tự nhân rộng nên rất phù hợp điều kiện thực tế của người dân vùng nông thôn có sẵn ao hồ.
Cùng với nuôi ốc bươu, gia đình ông Hồng còn đầu tư nuôi thêm 2 lồng ếch. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, trong năm nay, gia đình ông Hồng thu lãi khoảng 80 – 100 triệu đồng từ nuôi ốc bươu và ếch.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn cho biết, từ mô hình của gia đình ông Hồng, đến nay, địa phương đã nhân rộng cho 3 hộ dân trên địa bàn phát triển nuôi ốc bươu; đồng thời, khảo sát để tiếp tục hỗ trợ cho bà con nhân rộng.
Hiện nay, mô hình nuôi heo rừng lai của gia đình anh K’Kiểm và chị Ka Biểu tại thôn Tố Lan (xã An Nhơn) đang mở hướng chăn nuôi mới hiệu quả để bà con nhân rộng. Sau hơn 1 năm, từ 5 con heo giống, đến nay, gia đình anh K’Kiểm đã nhân rộng đàn heo rừng hơn 20 con; đồng thời, xuất bán 12 con heo giống thu về hơn 50 triệu đồng.
Ông Phạm Xuân Tiện – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Sau thời gian triển khai thí điểm cho thấy, các mô hình chăn nuôi dê Bách Thảo, ốc bươu, ếch và heo rừng bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Các mô hình đều cho thấy sự thích nghi với điều kiện tự nhiên, môi trường của địa phương, nên rất có tiềm năng để nhân rộng cho bà con. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát lại các điều kiện tự nhiên của từng xã, thị trấn trên địa bàn để có hướng hỗ trợ người dân phát triển các mô hình này theo hướng hàng hóa”.