Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này dường như không mấy suôn sẻ, chứa đựng hầu như tất cả những điều trùng lặp, khác thường của lịch sử.
Luật bầu cử Tổng thống của Mỹ khá đồ sộ, phức tạp cả về quy trình và mối quan hệ giữa số phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri. Số thứ tự 60 của kỳ bầu cử năm 2024 gắn với ý nghĩa về một vòng tuần hoàn của tự nhiên, xã hội.
Bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay chứa đựng hầu như tất cả những điều trùng lặp, khác thường của lịch sử… (Nguồn: BBC) |
Nhiều chuyện trùng lặp, khác thường
Giống như 56 năm trước (1968), một ứng cử viên Đảng Cộng hòa tái tranh cử sau khi thua ở kỳ bầu cử trước đó. Sau 68 năm (1956), cử tri Mỹ một lần nữa lựa chọn giữa 2 ứng cử viên đối đầu lần thứ hai. Một số Tổng thống, ứng cử viên Tổng thống Mỹ từng bị ám sát như John F. Kennedy năm 1963, Robert F. Kennedy năm 1968 và Ronald Reagan năm 1981. Lần này, cựu Tổng thống Donal Trump ít nhất một lần bị ám sát hụt. Mới đây thôi, ngày 15/9, ứng cử viên đảng Cộng hòa bị tấn công bằng súng khi đang chơi golf ở thành phố West Palm Beach, bang Florida, may mắn vẫn an toàn.
Trong lịch sử Mỹ, từng có ít nhất 4 ứng cử viên Tổng thống vượt qua tai tiếng bê bối để đắc cử (Andrew Johnson năm 1828, Richard Nixon năm 1972…). Kỳ này, ông Donal Trump dính đến 4 vụ án hình sự, nếu đắc cử, thêm một trường hợp nữa. Trước đây, đã có 2 đương kim Tổng thống Mỹ quyết định không tái tranh cử (Harry Truman năm 1952, Lyndon Johnson năm 1968) với lý do khác nhau. Tổng thống Joe Biden cũng vậy, nhưng thời gian đến ngày bầu cử chỉ còn lại hơn 100 ngày, khiến người thay thế gặp bất lợi trong chặng nước rút của cuộc đua.
Nếu bà Kamala Harris đắc cử, lần đầu tiên Mỹ có nữ chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, từ nay đến ngày kết thúc bầu cử Tổng thống năm 2024, biết đâu lại xảy ra những chuyện bất thường như vụ bạo loạn Đồi Capitol năm 2020. Quá trình bầu cử Tổng thống bộc lộ không ít vấn đề lớn trong lòng xã hội Mỹ.
Cuộc so găng căng thẳng và sự chia rẽ của nước Mỹ
Mở đầu cuộc tranh luận trực tiếp, hai ứng cử viên Tổng thống đã bắt tay thân thiện, nhưng không khí bao trùm vẫn là sự đối chọi gay gắt, từ phong cách, ngôn từ đến các nội dung cơ bản của nước Mỹ. Cuộc tranh luận cho thấy, hai ứng cử viên, rộng ra là hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thể hiện những khác biệt về tầm nhìn đối với cả chính sách đối nội và đối ngoại.
Vấn đề người dân Mỹ quan tâm hàng đầu, cũng là trọng điểm tranh luận là kinh tế, đời sống xã hội. Bà Kamala Harris khẳng định nạn “thất nghiệp lớn nhất từ thời kỳ đại suy thoái” khiến Tổng thống Joe Biden phải “dọn dẹp sạch mớ hỗn độn mà ông Donald Trump để lại”! Đối lại, ông Donald Trump chỉ trích lạm phát cao dưới thời Tổng thống Joe Biden là “thảm họa” của nền kinh tế. Hai ứng cử viên cũng có quan điểm trái ngược và công kích lẫn nhau trong việc nạo phá thai, vấn đề người nhập cư và tác động của nó đến kinh tế, xã hội.
Cựu Tổng thống và đương kim Phó Tổng thống cũng đối chọi nhau về chính sách đối ngoại, nhất là vấn đề liên quan đến các điểm nóng và cạnh tranh nước lớn. Ông Donald Trump mạnh mẽ khẳng định nếu cầm quyền thì “xung đột Ukraine, Trung Đông sẽ không xảy ra” và nếu đắc cử sẽ giúp chấm dứt ngay xung đột. Đối với cựu Tổng thống, Bắc Kinh mới là đối thủ hàng đầu và ông là “người duy nhất có thể đối đầu với Trung Quốc”. Nhưng điều quan trọng nhất, bằng cách nào thì ông lại lướt qua.
Đa số người dân Mỹ nhìn nhận chính sách đối ngoại của các Tổng thống dưới góc độ lợi ích; nhất là khả năng quản lý cạnh tranh nước lớn và tác động của nó đến việc làm, giá hàng hóa tiêu dùng và sử dụng thuế chi cho hỗ trợ, xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp ở bên ngoài. Vấn đề này, ông Donald Trump có phần nhỉnh hơn.
Điểm nổi bật trong lần tranh luận này là 2 ứng cử viên tận dụng thời cơ, chỉ trích gay gắt, tập trung vào các điểm yếu của đối thủ hơn là đưa ra thông điệp, định hướng mới của mình. Kinh tế là vấn đề trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, nhưng cả ông Donald Trump và bà Kamala Harris đều không đưa ra một chính sách rõ ràng nào.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi đưa ra chủ trương, chính sách mới, cụ thể là điều khó, dễ gây va chạm, được lòng bộ phận cử tri này lại có thể mất phiếu ở nhóm cử tri khác. Mà mục đích chính của tranh luận trực tiếp là phê phán đối thủ, tranh thủ sự ủng hộ của cử tri, nhất là nhóm trung dung, chưa có quan điểm rõ ràng.
Theo đánh giá chung, đương kim Phó Tổng thống tự tin, chủ động hơn, thể hiện được thông điệp của mình và có sách lược thích hợp, khiến cho cựu Tổng thống không tận dụng được lợi thế từng trải, sa vào tự bào chữa trước các đòn tấn công của đối thủ. Kết quả thăm dò dư luận của hãng CNN ngay sau tranh luận cho thấy, hơn 63% người Mỹ được hỏi ý kiến thì nhận định bà Kamala Harris thể hiện tốt hơn.
Cuộc tranh luận trực tiếp, có thể là lần duy nhất, dễ làm rõ sự tương phản giữa hai ứng cử viên, nên rất quan trọng, thu hút đến 67,135 triệu người Mỹ theo dõi, vượt xa các lần trước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nó thường không ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuối cùng. Cuộc bầu cử Tổng thống, tranh luận trực tiếp và thái độ của cử tri cho thấy cường quốc số một cũng có vấn đề, nước Mỹ đang chia rẽ sâu sắc.
Ở thời điểm hiện tại, cán cân có phần nghiêng về đương kim Phó Tổng thống, nhưng tỷ lệ ủng hộ của 2 ứng cử viên không chênh lệch quá lớn. (Nguồn: Foreign Policy) |
Khó đoán định và góc nhìn của thế giới
Ở thời điểm hiện tại, cán cân có phần nghiêng về Phó Tổng thống Kamala Harris, nhưng tỷ lệ ủng hộ của 2 ứng cử viên không chênh lệch quá lớn. “Ba mươi chưa phải là Tết”. Thời gian hơn 50 ngày đủ để ông Donald Trump và đội ngũ cố vấn tìm cách xoay chuyển tình thế. Hơn thế nữa, còn có nhiều yếu tố tác động, cả bên trong và bên ngoài, nên kết quả bầu cử khó đoán định.
Bốn vấn đề lớn có thể tác động mạnh đến kết quả bầu cử. Một là, xung đột Nga-Ukraine đột biến lớn, bất ngờ lan rộng ở Trung Đông. Hai là, nước Mỹ xảy ra khủng bố, bạo loạn lớn. Ba là, sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa hai cực, giữa trật tự thế giới đơn cực và đa cực, một bên do Mỹ đứng đầu, chi phối, bên kia do Trung Quốc, Nga dẫn dắt. Bốn là, kinh tế Mỹ gặp khó khăn, suy thoái.
Ba vấn đề đầu ít nhiều có liên quan đến nhau và có thể tác động đến vấn đề thứ tư. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ cố giữ để từ nay đến ngày bầu cử, các đột biến trên không xảy ra. Nhưng điều đó không hoàn do Mỹ quyết định trăm phần trăm. Ngoài ra, kết quả bầu cử còn liên quan đến lợi ích và quan điểm của các cộng đồng sắc tộc lớn ở xứ cờ hoa. Do đó, số liệu thăm dò, dự báo có thể bị đảo lộn, chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Không chỉ người Mỹ mà cộng đồng quốc tế cũng chăm chú hướng về cuộc bầu cử vào ngày 5/11. Bởi Mỹ là cường quốc số một và có sức chi phối trên nhiều lĩnh vực, khu vực. Vì quan hệ và lợi ích mà góc nhìn của mỗi liên minh, mỗi quốc gia về kết quả bầu cử khác nhau. Nhiều nước phương Tây, Liên minh châu Âu lo ngại ông Donald Trump thắng cử, sẽ hạn chế viện trợ cho Ukraine và đòi hỏi họ phải tự gánh vác công việc, chia sẻ, đóng góp nhiều hơn cho “cái ô” của Mỹ.
Thực tế, ông Donald Trump không thích gì nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Vấn đề quan tâm của ông là lợi ích của Mỹ; câu nói không đem tiền thuế của dân chi cho một nơi không mấy liên quan (Ukraine) là cách để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Trong cuộc tranh luận trực tiếp, vấn đề châu Á hầu như không được đề cập, nhưng khu vực vẫn là mối quan tâm, nơi cạnh tranh lợi ích chiến lược của Mỹ.
Có thể nói, dù ai đắc cử Tổng thống thì Mỹ vẫn theo đuổi chính sách của đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ. Tổng thống mới có thể điều chỉnh chính sách ở mức độ chiến thuật, sách lược, còn các mục tiêu quốc gia cơ bản như duy trì vị thế cường quốc số một, vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng và lợi ích chiến lược của Mỹ trên toàn cầu vẫn không thay đổi.
Mỗi nước, tổ chức có thể trông đợi vào những điểm có lợi trong chính sách của ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Nhưng cơ bản, quyết định vẫn là giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, để chủ động ứng phó với mọi biến động.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nuoc-my-qua-lang-kinh-bau-cu-tong-thong-nam-2024-286386.html