Núi lửa bắt đầu phun trào vào sáng sớm 14.1, vài giờ sau khi giới chức địa phương ở Iceland cảnh báo về sự việc và sơ tán thị trấn Grindavik sau các hoạt động địa chấn xảy ra hôm 13.1, theo The Guardian. Thị trấn này cách thủ đô Reykjavik của Iceland khoảng 40 km.
Lực lượng chức năng đã xây dựng các rào chắn bằng đất và đá để ngăn dung nham tiếp cận thị trấn Grindavik, nhưng dường như chúng không có tác dụng.
“Theo những hình ảnh đầu tiên từ chuyến bay giám sát của Lực lượng Tuần duyên, vết nứt đã xuất hiện ở cả hai phía của hệ thống bảo vệ vốn đã bắt đầu được xây dựng ở phía bắc Grindavik”, Văn phòng Khí tượng Iceland (IMO) cho biết trong một tuyên bố.
IMO cho hay dung nham hiện đang chảy về phía Grindavik. “Dựa trên kết quả đo đạc mà trực thăng của Lực lượng Tuần duyên cung cấp, ranh giới ngoài của vùng dung nham hiện cách các ngôi nhà ở cực bắc thị trấn khoảng 450 mét”, theo tuyên bố.
“Không có ai gặp nguy hiểm về tính mạng, mặc dù cơ sở hạ tầng có thể bị đe dọa”, Tổng thống Gudni Johannesson của Iceland phát biểu trên mạng xã hội X (Twitter trước đây) hôm 14.1, đồng thời thông báo các chuyến bay không bị gián đoạn.
Cơ quan bảo vệ dân sự Iceland cùng ngày cho biết họ đã nâng cảnh báo lên mức “khẩn cấp”, mức cao nhất trong thang 3 cấp của Iceland, đồng nghĩa rằng một sự việc đã bắt đầu có thể gây hại cho con người, tài sản, cộng đồng hoặc môi trường.
Đây là vụ núi lửa phun trào thứ năm trên bán đảo Reykjanes của Iceland kể từ năm 2021, và là vụ thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng. Một vụ phun trào núi lửa mạnh đã xảy ra gần Grindavik vào ngày 18.12 sau nhiều tuần động đất. Khoảng 3.800 cư dân của thị trấn đã được sơ tán nhiều tuần trước đó để đề phòng. Hơn 100 cư dân đã quay trở lại thị trấn trong những tuần gần đây nhưng họ đã được tái sơ tán hôm 13.1.
Iceland nằm ở điểm tiếp xúc của các mảng kiến tạo Á-Âu và Bắc Mỹ, hai trong số những mảng kiến tạo lớn nhất bề mặt trái đất. Hai mảng này di chuyển theo hướng ngược nhau, khiến Iceland trở thành điểm nóng về địa chấn và núi lửa.
Cũng trong ngày 14.1, Nhật Bản và Indonesia ghi nhận các vụ núi lửa phun trào. Hai quốc gia này nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, cũng là khu vực thường xuyên ghi nhận hoạt động núi lửa và động đất.