Người được nhắc đến chính là bà Phạm Thị Toàn, quê ở trang Vân Lộng, xứ Đông (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào thời đất nước còn bị quân Lương đô hộ, ở trang Vân Lộng có ông Phạm Lương vợ mất sớm, gà trống nuôi con gái là Phạm Thị Toàn khôn lớn. Ông vốn là người có chí lớn, nên luôn nhắc nhở con gái về nỗi đau người dân mất nước. Phạm Lương cũng chính là người truyền thụ võ công, cách bày binh bố trận cho Phạm Thị Toàn.
Khi nghe tin Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa, Phạm Lương bán sạch tài sản cùng con gái tham gia nghĩa quân. Về sau người con gái Phạm Thị Toàn của ông trở thành bậc danh tướng kiệt xuất của nhà nước Vạn Xuân.
Trong các cuộc chiến, Phạm Thị Toàn tuy là nữ nhi nhưng đã chứng tỏ được sự dũng cảm phi thường và trở thành nữ tướng nổi danh, được quân dân kính nể và kẻ thù khiếp sợ.
Sau khi đất nước giành được quyền tự chủ, đến năm 542, Phạm Thị Toàn lại tham gia đánh tan âm mưu tái lập ách đô hộ của giặc Lương, khi chúng kéo quân qua biên giới. Đến năm 543, bà lại theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía Nam.
Tháng giêng năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi tự xưng là Lý Nam Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Sau khi lên ngôi, nhớ đến người con gái dẫn đầu ba quân xông pha nơi trận mạc, vua ngỏ ý muốn đưa Phạm Thị Toàn vào cung lập làm vương phi, nhưng nàng đã khéo từ chối.
“Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ”, nữ tướng từ chối.
Biết khó lay chuyển được nàng, lại cũng không dám cưỡng ép nên Lý Bí chấp thuận lời thỉnh cầu này. Từ đó Phạm Thị Toàn về quê tịnh tu cho đến lúc mất, được người dân lập đền thờ phong là Thành hoàng.
Nguồn: https://vtcnews.vn/nu-tuong-nao-trong-lich-su-viet-tung-tu-choi-lam-vo-vua-ar902838.html