(Dân trí) – Được truyền cảm hứng từ gia đình, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Cô từng nhận danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM”, hai lần là “Thanh niên sống đẹp”.
Từ nhỏ, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (SN 1995, TPHCM) nhiều lần đối diện, chứng kiến cảnh bố mẹ vượt qua cửa tử. Bố mắc hen phế quản, mẹ bị bệnh tim bẩm sinh, cô phải một mình lo liệu ở nhà mỗi khi hai người nhập viện.
Những ký ức đó đã thôi thúc Nguyệt Thanh trở thành bác sĩ, trước hết để chăm lo sức khỏe cho gia đình và lớn hơn là cho mọi người xung quanh.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nguyệt Thanh về công tác tại phòng Khoa học Quân sự, Bệnh viện Quân y 175. Cô hiện mang quân hàm Thiếu úy và giữ vai trò bác sĩ, trợ lý đối ngoại.
“Tôi luôn thấy tự hào khi nghề thầy thuốc được xã hội tôn vinh và kính trọng. Tôi chỉ vừa bước vào con đường y nghiệp, vẫn đang tiếp tục học tập, trau dồi và hoàn thiện bản thân để có thể giúp ích được nhiều người hơn nữa”, nữ thiếu úy chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Khát khao cống hiến cho cộng đồng
Bố của Nguyệt Thanh là bộ đội, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Cô vẫn thường nghe bố kể về những ngày tháng trong quân ngũ của ông và chia sẻ với ông về đời sống quân ngũ của mình ở thời bình.
“Những câu chuyện, lối sống của bố đã truyền cho tôi tình yêu nước, sự trân quý độc lập, tự do cũng như lối sống kỷ luật, kỷ cương của người chiến sĩ, lòng dũng cảm, hy sinh vì nhiệm vụ chung và cho mọi người”, cô nói.
Mẹ là giáo viên tiểu học tại trường tình thương, Thanh sớm được dạy về sự cảm thông, thấu hiểu và biết ơn những điều mà người khác dành cho mình. Nhờ nguồn cảm hứng từ gia đình, cô luôn khát khao thực hiện các dự án cộng đồng.
Trong đợt dịch Covid-19, Nguyệt Thanh được phân công tham gia Phó Tổng Chỉ huy Tổng đài Cấp cứu 115 TPHCM. Thời điểm đó, là bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp, cô chưa có kinh nghiệm trong công tác cấp cứu, quản lý điều phối bệnh nhân cấp cứu nên rất áp lực.
“Có những ngày, tôi chỉ biết khóc và dường như muốn buông bỏ mọi thứ khi mỗi cuộc gọi mình bắt máy ở tổng đài là một người dân lại ra đi”, cô nhớ lại.
Số lượng cuộc gọi ngày một tăng, đỉnh dịch lên đến 6.000-7.000 cuộc/ngày với 200 tình nguyện viên trực 24/24 nhưng tổng đài dường như quá tải. Nữ bác sĩ trẻ vừa làm, tìm hiểu, vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn mỗi ngày.
Thanh vẫn nhớ mình đã khóc rất nhiều khi cô hàng xóm mắc Covid-19 do lây nhiễm từ con trai là sinh viên y khoa đi chống dịch. Dù đã cố gắng tìm mọi bệnh viện gần nhất, điều động xe cấp cứu nhưng cuối cùng, cô không thể làm gì hơn. Lần khác, cuộc gọi từ một cậu bé mới 3 tuổi nói rằng “Cô ơi, cô giúp mẹ con với, bố con cũng vừa mất rồi” khiến tim cô thắt lại.
“Những cuộc gọi như thế vẫn luôn day dứt tôi cho đến tận bây giờ”, nữ thiếu úy bộc bạch.
Ở thời điểm khó khăn đó, cô gái sinh năm 1995 may mắn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của người thân, đồng nghiệp và bạn bè. Cô cùng gia đình làm hơn 30.000 tấm chắn giọt bắn, nấu hơn 400 suất cơm/ngày để gửi đến các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến đầu và vận động hơn 200 suất quà cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch Covid-19 từ nguồn kinh phí ủng hộ của các mạnh thường quân.
Nhờ những đóng góp này, Nguyệt Thanh nhận được bằng khen của Thủ tướng vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Nữ bác sĩ cũng từng được trao danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2020; hai lần đoạt danh hiệu Thanh niên sống đẹp vào năm 2021 và 2023.
Vươn ra thế giới
Nguyệt Thanh mong muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực quản lý y tế – kinh tế y tế để từ đó, cô có thể tham gia tư vấn chính sách y tế, nâng cao chất lượng cho bệnh viện nơi mình đang công tác, ngành y tế quân đội và y tế cả nước nói chung.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thanh sớm xây dựng nền tảng là nghiên cứu khoa học từ khi học năm 2 tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Năm đó, cô nhận được suất học bổng tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn tại Bỉ. Một tháng ở đây, nữ sinh có cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ các giáo sư đầu ngành trên thế giới.
Trong đó, Thanh được GS Dominique Bron – nguyên Trưởng khoa Huyết học, Truyền máu, Đại học Vrije, Bỉ – truyền cảm hứng cho việc nhân viên y tế để phát huy được tối đa năng lực cần hội đủ các tố chất “điều trị – nghiên cứu khoa học – giảng dạy”.
Kể từ đó, Thanh trở thành tác giả và đồng tác giả của nhiều nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi như: Giải nhất tại Hội nghị khoa học trẻ Ứng dụng Công nghệ Sinh – Y sinh trong điều trị Y khoa lâm sàng lần 1 năm 2019; huy chương vàng cuộc thi Thiết kế – Chế tạo – Ứng dụng năm 2016; giải nhì cuộc thi Giải pháp sáng tạo Y tế Cộng đồng năm 2016.
“Việc đạt được các giải thưởng trong nghiên cứu khoa học giúp tôi vững tin hơn về lựa chọn nghề nghiệp và năng lực của bản thân. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục thực hiện các dự án nghiên cứu hướng về cộng đồng với quy mô lớn hơn như nghiên cứu đa trung tâm, đa quốc gia”, cô chia sẻ.
Những năm qua, Nguyệt Thanh có cơ hội đặt chân đến 20 quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều chương trình giao lưu quốc tế, tình nguyện quốc tế.
Năm 2018, Thanh là trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chương trình Giao lưu thanh niên, sinh viên Đông Á – Nhật Bản (JENESYS). Năm 2020, cô là đại biểu xuất sắc lĩnh vực Văn hóa – Xã hội trong Diễn đàn thanh niên tiên phong ASEAN – Hàn Quốc năm 2020.
Ngoài ra, nữ bác sĩ trẻ cũng từng là đại biểu dự chương trình Giao lưu thanh niên của Tổng Đội thiếu sinh quân Ấn Độ tổ chức năm 2017; đại biểu dự Lễ hội thanh niên quốc tế Yowunpura tại Srilanka năm 2018.
Trong tất cả trải nghiệm đó, Thanh nhớ nhất là Chiến dịch Sinh viên tình nguyện ASEAN – Trung Quốc do Tổ chức Sinh viên tình nguyện – Bộ Giáo dục Malaysia tổ chức tại Sarawak (Malaysia) vào năm 2018.
“Đó là lần đầu tiên tôi được biết và bắt đầu tìm hiểu về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và thực hiện các dự án tình nguyện với châm ngôn “low cost – high impact” (chi phí thấp – hiệu quả cao) cùng các sinh viên quốc tế. Tôi đã học được cách phân tích vấn đề cốt lõi của một cộng đồng, từ đó đề xuất các giải pháp mang tính thiết thực và tối ưu hóa hiệu quả”, cô chia sẻ.
Các chương trình giao lưu, tình nguyện quốc tế cho Thanh thêm nhiều kiến thức, nâng cao vốn tiếng Anh, kỹ năng hội nhập quốc tế, có thêm nhiều mối quan hệ mới và đặc biệt thay đổi góc nhìn về các vấn đề của khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, nữ thiếu úy học được tính chỉn chu trong công việc, sự chuyên nghiệp, tự tin khi thuyết trình hoặc trình bày quan điểm cá nhân trước tập thể.
Chuyến tàu tuổi trẻ
Gần đây, Nguyệt Thanh cùng 10 đại biểu thanh niên ưu tú của Việt Nam tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2023 (SSEAYP 2023) diễn ra trong vòng 10 ngày tại Nhật Bản. Được sự tin tưởng của Trung ương Đoàn, cô được giao nhiệm vụ “lãnh đạo thanh niên”.
Với vai trò này, Thanh triển khai lại nhiệm vụ cho các đại biểu khác trong đoàn dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Nhất Linh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đoàn, Trưởng đoàn đại biểu.
Cô phải tìm cách phân công nhiệm vụ phù hợp với thế mạnh của từng đại biểu, đảm bảo tính chính trị, văn hóa, xã hội trong các sản phẩm giới thiệu với bạn bè quốc tế và đặc biệt phải đúng tiến độ theo đề nghị của Nhật Bản.
“Tôi cũng phải đốc thúc các đại biểu thanh niên trong đoàn đảm bảo có mặt đúng giờ, tính kỷ luật và sự nhiệt tình trong các hoạt động”, cô chia sẻ.
Thanh nói rằng, phần công việc của mình chắc chắn có những vất vả hơn các bạn khác nhưng cô có cơ hội chào xã giao Ngài Kishida Fumio – Thủ tướng Nhật Bản – tại Văn Phòng Thủ tướng ở Tokyo, chào xã giao Công chúa Kako – cháu gái của Thiên hoàng Naruhito – và Hoàng gia Nhật Bản tại Hoàng cung Tokyo.
Nữ bác sĩ còn đại diện đoàn Việt Nam phát biểu trong lễ bế mạc chương trình trước Văn phòng Nội Các Nhật Bản, đại sứ các quốc gia Đông Nam Á tại Nhật Bản và đại biểu tham gia chương trình.
Với Thanh, chương trình homestay (ở nhà dân) là hoạt động thú vị nhất. Tại đây, cô lần đầu tiên được mặc kimono, tham quan và chụp ảnh với núi Phú Sĩ, nấu những món ăn truyền thống của Nhật Bản như: Takoyaki, lẩu sukiyaki, ramen, sushi… Cô cũng hướng dẫn các bạn nhỏ trong nhà nói một số câu tiếng Việt thông dụng như “Xin chào”, “Cảm ơn”, cách giới thiệu tên và cho họ thử áo dài truyền thống.
“Tôi được biết người Nhật Bản có văn hóa tặng quà nên đã chuẩn bị những món quà mang đậm bản sắc Việt Nam để tặng gia đình nuôi của mình làm kỷ niệm”, cô chia sẻ.
Trở về từ chuyến đi, Nguyệt Thanh học được thêm nhiều điều về lễ tân ngoại giao trong việc tổ chức các chương trình trọng thể, được thảo luận với các chuyên gia, bạn bè quốc tế về vấn đề trong lĩnh vực y tế, sức khỏe cũng như đề xuất các biện pháp nhằm đảm bảo tính công bằng, nâng cao chất lượng của hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia trên thế giới.
“Việt Nam cần bắt tay ngay vào việc chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt cho giai đoạn già hóa dân số trong những năm tiếp theo. Tôi nghĩ tất cả điều đó là rất cần thiết cho bản thân trong việc tham mưu, thực hiện công tác đối ngoại cũng như công tác huấn luyện đào tạo tại đơn vị”, nữ thiếu úy nói.
Dantri.com.vn