Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh năm 1986, Tổng Giám đốc KDI và KDC Education – hai đơn vị tiên phong mang đến giải pháp giáo dục STEM và kỹ năng công dân số cho hàng trăm ngàn học sinh – chia sẻ với bạn đọc Báo Người Lao Động
Phóng viên: Là một nữ doanh nhân, tại sao chị lại quyết định đẩy mạnh phát triển giáo dục STEM, hay nói cụ thể là lĩnh vực khoa học – công nghệ và kỹ thuật cho học sinh?
– Chị NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG: Là một công ty thành viên thuộc Tập đoàn KDI Holdings, từ năm 2017, KDI Education được thành lập với sứ mệnh đổi mới giáo dục Việt Nam. Thông qua dự án này, chúng tôi mong muốn chuẩn bị cho học sinh Việt Nam những kỹ năng và kiến thức cần thiết trong kỷ nguyên 4.0, để từ đó xây dựng một thế hệ trẻ tài năng. Tại thời điểm thành lập KDI Education, giáo dục STEM (viết tắt của Science/ Khoa học, Technology/ Công nghệ, Engineering/ Kỹ thuật, Math/ Toán học – PV) là một trong những nội dung mới, đang được ngành giáo dục quan tâm tìm hiểu và đẩy mạnh. Tuy nhiên, để triển khai STEM hiệu quả cần một sự đầu tư bài bản và đồng bộ về cơ sở vật chất, chương trình cũng như đội ngũ.
Là một người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, tôi hiểu rõ những khó khăn từ phía nhà trường. Vì vậy, cá nhân tôi cùng đội ngũ sáng lập công ty đã thực hiện nhiều nghiên cứu và học tập tại các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Israel, Singapore, sau đó quyết định đưa mô hình makerspace hay còn gọi là Không gian sáng chế về Việt Nam. Tại Không gian sáng chế do KDI Education xây dựng, lần đầu tiên học sinh tại các trường công lập ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các thiết bị giáo dục công nghệ, kỹ thuật hiện đại để hiện thực hóa mọi ý tưởng của mình thành một sản phẩm thật.
Đến nay, sau 7 năm triển khai, mô hình Không gian sáng chế đã mang lại những hiệu quả như thế nào?
– Hiện nay, KDI Education đang phát triển gần 250 phòng học theo mô hình Không gian sáng chế tại 8 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 200.000 học sinh theo học. Thông qua giải pháp giáo dục STEM tại Không gian sáng chế, học sinh được tiếp cận các nội dung học tập về kỹ năng sáng chế, lập trình, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, từ đó ứng dụng các kiến thức liên môn để tạo ra giải pháp giải quyết một vấn đề cụ thể. Nhiều mô hình tự động với hàm lượng kiến thức, ý tưởng chất lượng như nhà thông minh, nông nghiệp thông minh hay ứng dụng AI nhận diện khuôn mặt được học sinh tạo ra trong quá trình học tập cùng KDI Education.
Ngoài giờ học, chúng tôi cũng tạo ra nhiều sân chơi, cuộc thi về lập trình, robotics hay trí tuệ nhân tạo cho học sinh, thu hút hàng nghìn lượt tham gia trên cả nước. Trong đó có thể kể đến cuộc thi lập trình trí tuệ nhân tạo AI Hackathon 2024 do KDI Education và Sở Khoa học – Công nghệ TP HCM kết hợp tổ chức với 350 đội đăng ký, hiện đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thi đấu sơ loại.
Đẩy mạnh giải pháp giáo dục kỹ năng công dân số
Bên cạnh STEM, chị cùng các cộng sự đang phát triển giải pháp giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh. Vì sao chọn phát triển lĩnh vực này?
– Từ năm 2021, nhận thấy tỉ lệ trẻ em Việt Nam sử dụng internet và các thiết bị công nghệ ngày càng cao, trong khi đó việc trang bị các kỹ năng cần thiết cho các em để tự bảo vệ mình trên không gian mạng lại đang bị bỏ ngỏ nên chúng tôi quyết định thành lập KDC Education.
KDC Education là một công ty con trực thuộc KDI Education, tập trung nghiên cứu và đẩy mạnh giải pháp giáo dục kỹ năng công dân số (digital citizenship), vốn là một khái niệm quen thuộc với trẻ em các nước tiên tiến nhưng lại mới mẻ với học sinh Việt Nam. Thông qua chương trình này, các em được rèn luyện kỹ năng sử dụng internet an toàn, kỹ năng sử dụng thiết bị số hiệu quả hay cách thức để cân bằng giữa thời gian trực tuyến và các tương tác trực tiếp trong cuộc sống.
Sản phẩm ra đời gắn liền với nhu cầu của phụ huynh, học sinh và nhà trường nên được đón nhận rất tốt. Hiện nay, KDC Education đang triển khai giảng dạy cho gần 50.000 học sinh tại TP HCM và một số tỉnh, thành.
Năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số thành một trong những nhiệm vụ bắt buộc của trường tiểu học trên cả nước. Chị đã có những dự định như thế nào để mở rộng giáo dục kỹ năng số cho học sinh?
– Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh, đặc biệt là bậc tiểu học, có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì đây là lứa tuổi mà các em bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông an toàn, tránh được rủi ro đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và kỹ năng sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số là vô cùng cần thiết.
Chúng tôi mong muốn sẽ góp phần đưa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào các trường học trên cả nước, đặc biệt là các trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa – nơi học sinh còn nhiều khó khăn, thiệt thòi, ít được tiếp cận với công nghệ thông tin. Bởi mỗi em nhỏ Việt Nam sinh ra trong kỷ nguyên số, dù là ở thành thị hay nông thôn, miền núi thì đều đã là một công dân số và cần được trang bị các kỹ năng cần thiết.
Để nhân rộng mô hình giáo dục kỹ năng công dân số đến nhiều tỉnh, thành, đội ngũ chuyên môn tại KDC Education đã đầu tư phát triển hệ thống học liệu số bài bản với tên gọi Digiskills. Thông qua Digiskills, với tất cả giáo án, kế hoạch bài dạy và video minh họa được chuẩn bị sẵn sàng, giáo viên ở bất kỳ đâu đều có thể tự tin thực hiện các tiết dạy về kỹ năng công dân số một cách hiệu quả.
Vượt thử thách để học sinh vững bước tương lai
Là một doanh nhân trẻ tập trung vào các lĩnh vực còn khá mới mẻ trong giáo dục tại Việt Nam, chị gặp những khó khăn, thử thách nào? Đâu là động lực để chị gắn bó với giáo dục, đặc biệt trong việc giáo dục kỹ năng cho học sinh?
– Chúng tôi rất mong muốn góp phần giáo dục một thế hệ trẻ phát triển toàn diện, tài năng, có tư duy sáng tạo, đột phá. Trước hết, chúng tôi phải tuyển được đội ngũ tâm huyết, có chuyên môn, trách nhiệm. Chúng tôi phải có những chính sách đào tạo chuyên nghiệp, các chính sách thu hút, hỗ trợ để có thể tuyển được đội ngũ đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi phải quy tụ đội ngũ chuyên gia, cộng sự trong nước và nước ngoài để xây dựng các chương trình đào tạo, các sản phẩm chất lượng, phù hợp với học sinh các cấp, từ đó tạo uy tín với các địa phương, với các cơ sở giáo dục, phụ huynh, học sinh…
Theo chị, chúng ta cần tạo môi trường gia đình và kết nối nhà trường – gia đình như thế nào?
– Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 82% trẻ em trong độ tuổi 7-13 sử dụng internet, tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15. Trẻ em Việt Nam được trang bị điện thoại sớm hơn trẻ em trên thế giới 4 năm. Thực tế này cho thấy không gian mạng, môi trường số đang có ảnh hưởng đối với sự phát triển của trẻ em. Trẻ em Việt Nam tương tác trên môi trường mạng rất sớm khi chưa có kiến thức, kỹ năng về an toàn mạng; điều này rất cần có sự giáo dục, định hướng và quản lý hiệu quả.
Là một người mẹ, tôi rất trăn trở khi được biết hầu hết trẻ em đều được sử dụng điện thoại, internet khá thoải mái khi ở nhà. Tôi nghĩ, không chỉ thầy cô giáo, cha mẹ cũng cần tiếp cận với các kỹ năng trong thời đại công nghệ thông tin để có thể hỗ trợ, định hướng cho con trong việc sử dụng internet. Những kỹ năng cơ bản mà cha mẹ nên tìm hiểu như kỹ năng tìm kiếm, đọc hiểu thông tin và dữ liệu trên môi trường số, kỹ năng giao tiếp và phối hợp sử dụng các công nghệ số, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng an toàn thông tin…
Ngoài công việc, tôi cũng phải dành thời gian để trao đổi với con, tìm hiểu xem con thường vào internet để làm gì, cùng con xem một đoạn video mà con thích… Từ đó chia sẻ, định hướng cho con nên tiếp cận nội dung nào, thời gian bao lâu. Tuy nhiên, một sự thật là không gian mạng quá phức tạp và chứa nhiều nguy cơ thiếu lành mạnh nên chúng ta cần để ý, dành sự quan tâm nhiều hơn cho con cái.
Chúng tôi cũng hy vọng các kỹ năng công dân số mà KDI Education xây dựng, phát triển có thể tiếp cận được với phụ huynh, với mỗi gia đình.
Nguồn: https://nld.com.vn/nu-doanh-nhan-tre-voi-khat-vong-doi-moi-giao-duc-viet-nam-196241010211011446.htm