Nhìn ảnh cô gái Huỳnh Thanh Thảo cười rạng rỡ, mắt lấp lánh vui dù thân hình vẹo vọ lọt thỏm trong chiếc xe lăn, nữ đạo diễn người Mỹ mang theo câu hỏi: “Sao cô ấy vẫn có thể vui cười, hạnh phúc như vậy?” đến Việt Nam…
Giữa rừng bằng khen treo trên tường ở thư viện “Cô Ba ấp Ràng” của cô gái xương thủy tinh Huỳnh Thanh Thảo (sinh năm 1986, ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM) là poster phim “Thao’s Library”. Bộ phim về Thảo của nữ đạo diễn người Mỹ Elizabeth Van Meter, được công chiếu tại một số rạp ở New York thời gian trước.
Trong nhà, Thảo nằm bò trên giường, mọi cử động chỉ nhờ vào hai cánh tay nhúc nhắc. Bị di chứng chất độc da cam, cô gái 37 tuổi chỉ cao 0,7m, nặng 25kg. Chưa kể, với căn bệnh xương thủy tinh quái ác, xương Thảo có thể gãy bất cứ lúc nào.
Nói về cơ duyên với bộ phim, Thảo kể, năm 2009, khi sang thăm Việt Nam, Stephen, một nhiếp ảnh gia người Mỹ chụp lại rất nhiều hình ảnh các nạn nhân chất độc da cam.
Trong hàng ngàn bức ảnh về sự tàn phá, về nỗi đau gây nên của thứ chất độc khủng khiếp, nữ đạo diễn người Mỹ Elizabeth Van Meter dừng lại thật lâu trước bức ảnh chụp Thảo. Trước mắt chị là nụ cười giòn tan, rạng rỡ, nhí nhảnh toát ra từ cô gái nhỏ thó ngồi “lọt thỏm trên xe lăn”.
Nữ đạo diễn liên lạc với Thảo. Thời điểm đó, Elizabeth đang gặp biến cố gia đình. Người thân của chị, dù rất thành công, tài giỏi, tiếng tăm vẫn rơi vào trầm cảm và đã chọn dừng lại với cuộc đời.
Chị tự hỏi nhiều người sung túc, cuộc sống đủ đầy mọi thứ nhưng sao không thể hạnh phúc. Còn cô gái này, trong hình hài đó, trong chiếc xe lăn, vẫn là nụ cười nhí nhảnh, tràn năng lượng đến từ bên trong.
“Sao cô ấy có thể vui cười, hạnh phúc như vậy?”, đi tìm câu trả lời, nữ đạo diễn Elizabeth cùng đoàn phim của mình đến Việt Nam tìm Thảo.
Qua đoàn phim, Thảo cùng với thư viện của mình đến với nhiều bạn bè quốc tế với câu chuyện về sự nghị lực và lạc quan của một cô gái đến từ Việt Nam.
Ngày bé, Thảo không được đi học. Ngoài việc không thể đi lại, một đứa trẻ chỉ cần giật mình hay một va chạm nhẹ cũng có thể gãy xương làm sao có thể tới trường.
Thèm viết, thèm chữ, ở nhà Thảo thường xé lá chuối, lấy que rồi viết nguệch ngoạc trên lá hay tận dụng những tờ giấy thừa trong vở của chị gái để… vẽ chữ.
Với sự hỗ trợ của mẹ, Thảo biết đọc chữ năm 9 tuổi. Không có sách vở, Thảo nhặt lại những mẩu báo dùng gói xôi để đọc. Lần nào đọc cũng ngẩn ngơ, ức chế vì đang nuốt từng câu từ thì nội dung lại bị cắt ngang, đứt đoạn.
Khi đọc chữ thông thạo, có điều gì đó thôi thúc Thảo muốn trao những gì mình đã được học đến người khác. Năm 14 tuổi, cô thực hiện điều này bằng cách kèm học cho một vài em nhỏ gần nhà.
Gọi là dạy nhưng thật ra là cùng học. Thảo muốn trao đi nhưng bên trong chất chứa mong mỏi được học từ người xung quanh, thèm muốn không khí lớp học, khát khao sự kết nối…
Cuối năm học, hai đứa trẻ được Thảo kèm đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường, thành tích cực kỳ khó vào những năm đó. “Bé Ba (tên ở nhà của Thảo) dạy hay lắm”, tiếng đồn lan khắp, nhiều gia đình đưa con đến gửi gắm.
Thảo hết hồn: “Cái gì vậy? Cô giáo thì phải được học hành, phải qua trường lớp, chớ mình biết gì đâu, lỡ làm hỏng con người ta thì sao?”.
Trước giờ đơn thuần là kèm mấy đứa nhỏ học cùng, Thảo đâu có khái niệm dạy học. Lo đến mức không ăn được cơm, Thảo trốn tiệt trong nhà không dám ló mặt ra ngoài khi không biết trả lời thế nào với các cụ ông cụ bà lam lũ đạp xe cọc cạch chở con cháu đến.
Phải khi bình tâm, trả lời được những điều bản thân hoài nghi, Thảo mới có thể đối diện với mọi người.
“Mình sẽ thử!”, đó là câu trả lời của Thảo. Thảo trở thành cô giáo đặc biệt khi chưa một ngày đến trường, chưa từng được đi học.
Dạy học miễn phí, cảm nhận thêm nhiều giá trị nhưng Thảo không quên… mình cũng phải nuôi thân. Người lành lặn mong muốn kiếm tiền một thì với người khuyết tật, mong muốn đó gấp nhiều lần bởi ẩn sâu bên trong là khát khao có thể lo cho bản thân, để thấy mình không vô dụng.
Năm 16 tuổi, cùng với việc dạy học, Thảo nhờ mẹ vay mượn tiền giúp để mở cửa hàng tạp hóa. Người quen cho vay 3 triệu đồng cùng với tâm lý “cho luôn”, còn Thảo xác định vay là phải trả, không lấy khuyết tật của thân thể để lợi dụng lòng tốt của người khác.
Quán tạp hóa của Thảo như một siêu thị mini. Ở đó, cô chủ không thể đi lại, lấy hàng, thu tiền mà khách tự lấy hàng, tự bỏ tiền vào thùng, tự thối tiền.
Nhưng rồi sức khỏe của cô chủ không cho phép khi Thảo phải ra vào viện như cơm bữa, xoay xở với quán không có thời gian nghỉ ngơi, cửa hàng… phá sản.
Thanh lý cửa hàng, tất cả vốn lẫn lãi gom về được 1,5 triệu đồng, Thảo áp lực trước món nợ “đã vay phải trả”.
Nhìn thấy cơ hội khác khi quan sát chị gái nạp thẻ điện thoại, cô lại dồn cả 1,5 triệu đang định trả nợ để kinh doanh. Công việc suôn sẻ nhưng Thảo cũng sớm nhận ra nếu hài lòng thế này rồi tiệm sim thẻ cũng… chết yểu. Nhà cô ở trong làng, làm sao phát triển thị trường?
Thêm bước đột phá, Thảo đi đầu trong việc bán thẻ cào qua điện thoại. Cô kết nối, giới thiệu đến mọi người mua, nạp tiền điện thoại không cần đến trực tiếp, chỉ cần một cuộc gọi hoặc tin nhắn. Lần đầu tiên ở làng có dịch vụ này, mọi người loan tin cho nhau, khách hàng tấp nập…
Khá thành công nhưng cô gái xương thủy tinh vẫn thấy bất an. Cô lo công việc này rồi sẽ bão hòa và hơn hết là nhận ra thứ thiếu khuyết khi kinh doanh này.
Cô cho rằng, với việc kinh doanh, khách hàng đến rồi đi, không có nhiều sự kết nối về mặt tinh thần. Thế giới của Thảo, cô tìm thấy mình trong sự kết nối, đặc biệt là với trẻ thơ.
Vậy là đầu năm 2009, giữa làng quê heo hút, Thảo mở thư viện “Cô Ba ấp Ràng” miễn phí. Lúc đầu chỉ với vài cuốn sách đặt trên kệ gỗ người ta bỏ đi, trẻ đến vài ba lần là hết sách đọc.
Câu chuyện “cô gái xương thủy tinh” xuất hiện trên đài phát thanh, bạn đọc các nơi biết đến, gửi tặng thêm sách, thư viện lớn lên từng ngày…
Từ hành trình tự học chữ, kinh doanh, mở thư viện, Thảo nhận ra một điều sâu sắc về bản thân, về người khuyết tật. Ở độ tuổi đó, nếu lớn lên, tới trường như bao người, Thảo sẽ chỉ biết… học. Nhưng từ những khó khăn, hay còn được xem là thiệt thòi, Thảo có thêm cơ hội để nghĩ, để làm rất nhiều thứ.
“Hành trình đó giúp tôi nhận ra khuyết tật chỉ bất tiện, không phải là bất hạnh”, Thảo chiêm nghiệm.
Thư viện ngày càng phát triển nhưng Thảo cũng nhận ra nguồn sách hầu hết đến từ sự ủng hộ của mọi người. Là chủ thư viện đó nhưng cô rất… bị động. Sự yêu thương, quan tâm từ cộng đồng cần được đến với nhiều nơi khác, không chỉ tập trung cho mình. Việc của mình, Thảo nghĩ phải do mình kiến tạo và chủ động.
Thời điểm “phải làm gì đó” đến vào năm 2013 sau khi ông ngoại – người Thảo gắn bó nhất – qua đời. Thảo quyết tâm lên… Sài Gòn, cách nhà gần 70 cây số với sự hỗ trợ của bạn bè thân quen.
Ở thành phố, Thảo theo học chương trình học bổng dành cho người khuyết tật, học thêm về khởi nghiệp.
Học phải đi đôi với làm, Thảo xây dựng dự án cà phê sách dành cho người khuyết tật được rất nhiều nhà đầu tư ủng hộ vì tính táo bạo và nhân văn. Nơi đó vừa tạo việc làm vừa tạo không gian sinh hoạt cho người khuyết tật.
Nhưng cuộc đời không ngừng thử thách cô gái bé nhỏ…
Thảo nhớ in ngày hôm đó, sáng 23/12/2016, đúng trước lễ Noel. Cô gái đang hứng khởi ngồi sau xe một người bạn để đến kiểm tra việc chuẩn bị địa điểm mở quán. Cả hai đang chạy trên đường Quang Trung, Gò Vấp thì một chiếc ba gác tông thẳng vào… Thấy Thảo với hình hài nhỏ thó lăn lóc giữa đường, người gây tai nạn sợ hãi bỏ chạy.
Thảo nhớ khoảnh khắc đó, mình được đưa lên taxi để vào viện cấp cứu. Thảo mệt rũ rượi, không còn chút sức lực nào nhưng cô vẫn mở mắt thật to, không dám nhắm mắt lại. Cô sợ, sợ nhắm mắt rồi sẽ không bao giờ còn cơ hội để mở mắt ra nữa…
Vụ tai nạn làm Thảo mờ một bên mắt, mất hoàn toàn khả năng nghe nửa bên và bộ phận được xem mạnh nhất trên cơ thể – cánh tay trái nhiều năm qua giúp cô có thể lăn bánh xe lăn – đã yếu đi.
Dường như cuộc đời muốn thử thách khả năng chịu đựng tới tận cùng của cô gái, muốn đánh gục ý chí, nỗ lực của cô. Thảo tự trả lời: “Khả năng chịu đựng của mình là còn thở thì còn sống. Cuộc đời chỉ có hai con đường là dừng lại hoặc đi tiếp. Với người ham sống như mình thì cứ vậy đi tiếp”.
Dù bước đi tiếp của Thảo lúc đó là quay về điểm xuất phát. Dự án dừng lại, bản thân cần có người chăm sóc, Thảo trở về quê nhà, bên thư viện của mình. Ngoài quản lý thư viện, cô viết văn, đăng ký các khóa học online, ấp ủ viết sách…
Cô gái ấy, nếm đủ nghịch cảnh nhưng chưa từng thấy cuộc đời bất công. Thảo tin vào sự sắp xếp của vũ trụ. Vũ trụ đưa cô trở về bên những đứa trẻ, một phần cuộc đời cô.
Cô hiểu, đâu chỉ mình mới là người gặp vấn đề. Là con người ai cũng có vấn đề, có góc khuất. Không ai sống thay được cho nỗi đau của ai.
“Hầu hết chúng ta hay để ý, gặm nhấm mãi nỗi đau của bản thân, chìm trong bể khổ. Tôi lại nhìn thấy niềm hạnh phúc với những gì mình đã làm, đã sống trong mọi khoảnh khắc của quá khứ và hiện tại”, Thảo cười.
Vẫn là nụ cười giòn tan, hạnh phúc, ấm áp như trong bức ảnh “lọt thỏm trên xe lăn” của nhiếp ảnh gia người Mỹ năm nào.
Dantri.com.vn