Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) trên địa bàn huyện Ninh Phước có bước phát triển tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 5.796 tỷ đồng, đạt 52,29% kế hoạch (KH), tăng 9,66% so với cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn đạt 48,512 tỷ đồng, đạt 53%; giải quyết việc làm cho 2.225 lao động, đạt 76,72 KH. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, triển khai đầy đủ; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Điểm nổi bật là huyện đã thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ; chú trọng nâng cao giá trị đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực mà địa phương có lợi thế. Tổng diện tích gieo trồng trong 6 tháng 17.143 ha, đạt 86,1% KH; trong đó, cây lúa 9.844,8 ha, vượt 0,28% KH; cây bắp 1.728,6 ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực đạt 43.102 tấn, đạt 50,5% KH. Các loại cây trồng chủ lực không ngừng được mở rộng diện tích; ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng 61 ha, vượt 5,7% so với KH. Tiếp tục thực hiện các mô hình mới, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm; trong đó, thực hiện 15 mô hình cánh đồng lớn lúa, bắp, măng tây xanh với tổng diện tích 2.346 ha. Trong chăn nuôi, cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp, phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, huyện phát triển đàn gia súc đạt trên 100.200 con, đạt 97,7% KH; sản xuất tôm giống đạt 2.875 triệu con post, đạt 44,8% KH; duy trì 1 trung tâm chuyển giao kỹ thuật nuôi và 214 cơ sở nuôi chim yến.
Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa. Ảnh: Tiến Mạnh
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng giá trị sản xuất đạt 2.894 tỷ đồng, đạt 56,9% KH, tăng 10,68% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, có 2 dự án điện mặt trời đang thi công, với tổng công suất 150 MW, đến nay toàn huyện có 13 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 489,221 MW. Ngoài ra, có 483 hệ thống điện mặt trời áp mái, với tổng công suất lắp đặt 66.689 kW; huyện cũng đang thực hiện Đề án phát triển làng nghề gắn với xây dựng đô thị loại IV Phước Dân. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: Rượu vang nho, mật nho… ở Phước Thuận; táo sấy, nho sấy, thịt dê, cừu qua sơ chế ở Phước Thuận, Phước Hậu và trà măng tây xanh ở An Hải.
Bên cạnh đó, huyện đẩy nhanh thi công các công trình chuyển tiếp năm 2022, phân bổ nguồn vốn triển khai các công trình đầu tư năm 2023 với 14 công trình, giải ngân 37,776 tỷ đồng, đạt 50,8% KH; phê duyệt quyết toán 18 công trình hoàn thành và KH lựa chọn nhà thầu 25 công trình. Ngoài ra, giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ có nhiều khởi sắc, đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 17,22% so với cùng kỳ.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng đô thị loại IV Phước Dân, huyện đã đánh giá thực trạng các tiêu chí xã, thôn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Huyện đã làm thủ tục công nhận thôn Long Bình 1, Long Bình 2 và thôn Nam Cương, xã An Hải; thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn; thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận; thôn Như Bình, Đá Trắng, Thái Giao và Hoài Ni, xã Phước Thái đạt chuẩn NTM. UBND tỉnh công nhận xã An Hải đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổ chức, hướng dẫn các hộ đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Rà soát, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng đô thị loại IV Phước Dân theo KH.
Nông dân Ninh Phước trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại thu nhập cao.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH những tháng cuối năm 2023, huyện tiếp tục đẩy mạnh phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ để sản xuất đạt hiệu quả. Trong đó, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè – thu và vụ mùa năm 2023 gắn với KH sản xuất 2 vụ lúa/năm; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm; chủ động phương án phòng, chống thiên tai, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng huyện, xã NTM gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chú trọng huy động và lồng ghép nguồn lực xã hội hóa xây dựng Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV; phát triển các làng nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo tồn, gắn với du lịch. Tiếp tục thực hiện KH sử dụng đất năm 2023 và hoàn thành thủ tục phê duyệt quy hoạch NTM 8 xã; điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Phước Dân và quy hoạch vùng. Tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư công và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch, thực hiện đề án du lịch cộng đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, thực hiện tốt năm học mới 2023-2024, gắn với nâng cao chất lượng dạy và học; nâng cao chất lượng huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục. Chú trọng chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; đào tạo lao động, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội; thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tiến Mạnh