NSƯT Tú Sương trong vai Bùi Thị Xuân
Chiều 17-11, đạo diễn Bạch Long đã giới thiệu ra mắt vở cải lương sử Việt do ông sáng tác nói về nhân vật nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Đối với nghệ sĩ Bạch Long, việc dàn dựng kịch bản cải lương tuồng cổ sử Việt là một đường đi khó nhưng ông không nản lòng.
“Tôi chọn kịch bản này vì lát cắt của giai đoạn lịch sử trong câu chuyện về nhân vật Bùi Thị Xuân đã được đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ khai thác vào thập niên 1980 – 1990 với vở “Thanh gươm và nữ tướng”. Nay, tôi viết lại mới, có đầu tư thêm về phần âm nhạc, sáng tác ca khúc chủ đề kết hợp với rap để tạo sự tươi trẻ trong dàn dựng” – nghệ sĩ Bạch Long cho biết.
NSƯT Trinh Trinh (vai công chúa Ngọc Hân) yểm trợ cho dàn diễn viên trẻ của đồng ấu Bạch Long
Những năm qua, nhiều sân khấu cải lương đã bắt đầu chú trọng đến câu chuyện cải lương “thuần Việt” với việc tái dựng và dàn dựng mới các vở diễn lịch sử. Trong đó, nhiều sân khấu xã hội hóa đã rất nhiệt tình và dàn dựng nhiều vở diễn lịch sử hay được công chúng yêu mến, như: “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Má hồng soi kiếm bạc”, “Thanh gươm nữ tướng”, “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Trung thần”, “Câu thơ yên ngựa”, “Thủy chiến Bạch Đằng Giang”, “Trung thần”…
Nhóm đồng ấu Bạch Long từ khi về trụ tại Nhà hát Nụ cười trong khuôn viên Cung Văn hóa Lao động TP HCM đã nỗ lực tạo nhiều suất diễn. Vở “Xuân về trên đất Thăng Long” hứa hẹn sẽ đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả mê sân khấu cải lương.
Điểm nhấn độc đáo của vở là sự xuất hiện của NSƯT Tú Sương (vai Bùi Thị Xuân) và NSƯT Trinh Trinh (vai Công chúa Ngọc Hân).
Nghệ sĩ Kim Nhuận Phát (vai Nguyễn Huệ) và NSƯT Tú Sương (vai Bùi Thị Xuân)
Theo nhiều sử liệu, nhân vật Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, vợ Thái phó Trần Quang Diệu và là Đô đốc của vương triều Tây Sơn.
Đạo diễn Bạch Long đã hư cấu rất duyên dáng để những ngày đầu Bùi Thị Xuân gia nhập Tây Sơn đã là một cô gái đóng giả nam nhân, nhằm che đậy thân phận nữ lưu để mong được nhận vào hàng ngũ Tây Sơn.
Chính lớp diễn này đã tạo cơ hội để NSƯT Tú Sương thăng hoa cảm xúc, đối diện với Trần Quang Diệu và Nguyễn Huệ, rồi kết nghĩa tình huynh đệ, thề bảo vệ non sông, đánh đuổi giặc Thanh.
Đưa rap vào cải lương tuồng cổ, nghệ sĩ Bạch Long hy vọng sẽ tạo sự tươi trẻ cho vở sử Việt
Với tài kiếm thuật, bắn cung, cưỡi ngựa, luyện voi vượt trội cùng với lòng dũng cảm, vai diễn của NSƯT Tú Sương đã tạo thật nhiều bất ngờ đối với khán giả.
Bên cạnh đó khi công chúa Ngọc Hân của NSƯT Trinh Trinh xuất hiện cũng đã mang lại nhiều nét chấm phá thật đẹp cho bức tranh cải lương tuồng cổ.
Hai nữ nghệ sĩ thuộc gia tộc Minh Tơ – Thanh Tòng đã trưởng thành và là điểm tựa cho thế hệ diễn viên trẻ của đồng ấu Bạch Long.
Vở diễn kéo dài trong 6 cảnh. Câu chuyện kịch trải rộng trong không gian Bùi Thị Xuân gặp gỡ Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, rồi bà được phong đô đốc, chứng minh là một bậc đại tướng.
“Xuân về trên đất Thăng Long” chính là mối tình đẹp của bà và Trần Quang Diệu, được chính Nguyễn Huệ tác hợp thành đôi vợ chồng đều là tướng tài của Tây Sơn.
Nghệ sĩ Hoàng Hải với những màn đánh võ đẹp mắt khi thể hiện vai Phạm Khanh
Xuyên suốt câu chuyện, sau từng lớp được đẩy lên cao trào, diễn xuất của NSƯT Tú Sương, NSƯT Trinh Trinh lôi cuốn người xem.
Cả hai đã là bệ đỡ cho các tân binh của đồng ấu Bạch Long gồm: Kim Nhuận Phát, Bạch Luân, Bạch Tú My, Thanh Dư, Ái Loan, Phú Yên, Thúy My, Tài Nhân…
Bên cạnh đó nghệ sĩ Bạch Long và Hoàng Hải, Chí Bảo cũng yểm trợ hết mình cho các diễn viên trẻ.
Nghệ sĩ Bạch Long và Chí Bảo đóng vai phụ yểm trợ cho diễn viên trẻ
Đạo diễn Bạch Long rất mát tay, ông đã áp dụng các thủ pháp truyền thống kết hợp với các xử lý hiện đại nhằm tạo nên vở diễn về lịch sử bi tráng, đậm tính lịch sử với hào khí dân tộc.
Câu chuyện “Xuân về trên đất Thăng Long” đã nêu bật tấm gương nghĩa khí của người xưa, hướng đến thế hệ hôm nay – nhất là lớp trẻ để nhắc nhớ những tấm lòng kiên trung, ngay thẳng, yêu thương và đoàn kết để chống giặc ngoại xâm của các bậc cha ông.
Tối 18-11, vở sẽ tiếp tục công diễn tại Nhà hát Nụ cười – Cung Văn hóa Lao Động TP HCM.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/nsut-tu-suong-trinh-trinh-tao-diem-nhan-noi-bat-cho-vo-xuan-ve-tren-dat-thang-long-20231117173742397.htm