Điểm nóng đang hình thành trên Hoàng Hải

Báo Thanh niênBáo Thanh niên15/02/2025

Trong lúc chính quyền Seoul trải qua cuộc khủng hoảng chính trị, một điểm nóng mới đã xuất hiện ở Hoàng Hải, sau khi tình báo Hàn Quốc phát hiện Trung Quốc cho xây dựng cấu trúc lớn ở vùng biển này.


Điểm nóng đang hình thành trên Hoàng Hải- Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu J-15 xuất kích từ tàu sân bay Liêu Ninh trong đợt diễn tập ở Hoàng Hải năm 2016

Bắc Kinh đang xúc tiến việc xây dựng các cấu trúc mới ở Hoàng Hải, vùng biển nằm giữa Trung Quốc đại lục và bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc lo ngại đây có thể là bước khởi đầu cho tham vọng áp đặt tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển 389.000 km2 với nguồn tài nguyên dồi dào của Đông Bắc Á.

Sự xuất hiện của cấu trúc mới

The Chosun Daily là tờ báo đầu tiên loan tin về diễn biến đáng quan ngại tại Vùng Đo đạc Tạm thời (PMZ) của Hoàng Hải. Đây là khu vực tranh chấp, nơi giao nhau của các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hàn Quốc và Trung Quốc, và cấm các hoạt động như xây cất hoặc phát triển tài nguyên, trừ đánh cá.

Tuy nhiên, The Chosun Daily hôm 10.1 dẫn lời các quan chức chính quyền Seoul cho biết các cơ quan tình báo nước này đã phát hiện cấu trúc mới ở Vùng Đo đạc Tạm thời vào tháng 12.2024.

Nhờ vào vệ tinh do thám, Hàn Quốc tính toán được "việc lắp đặt bao gồm một khung thép di động có bề ngang và độ cao vượt quá 50 m".

Cũng theo tờ báo, Trung Quốc trước đó đã xây dựng 2 cấu trúc tương tự trong năm 2024, lần lượt vào tháng 4 và tháng 5, dẫn đến phản đối của phía Hàn Quốc qua kênh ngoại giao.

Giới chức Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc có kế hoạch lắp đặt đến 12 cấu trúc như thế. Và việc xuất hiện cấu trúc mới nhất cho thấy Bắc Kinh đã quay lại kế hoạch cũ sau thời gian tạm hoãn.

Theo báo Hàn Quốc, giới quan sát cho rằng động thái trên là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý đồ thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trong tương lai, và đang tận dụng cuộc khủng hoảng chính trị của Seoul sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol vào đêm 3.12.2024.

Bất chấp quan ngại của Hàn Quốc, Trung Quốc gọi những cấu trúc trên là "các cơ sở hỗ trợ đánh cá". Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh các cuộc thương thuyết ngoại giao song phương nhằm phân định ranh giới trên biển ít đạt được tiến triển dù được tổ chức hằng năm.

Các nhà phân tích cho rằng những động thái của Trung Quốc là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm thiết lập sự kiểm soát đối với Hoàng Hải, nơi Bắc Kinh xem là "sân sau".

Năm 2010, Trung Quốc tuyên bố vùng biển trên là một phần của "biển nội địa" của nước này và từ đó liên tục leo thang các yêu sách chủ quyền ở đây.

Điểm nóng đang hình thành trên Hoàng Hải- Ảnh 2.

Tàu Mugunghwa 27 của Bộ Đại dương và Ngư nghiệp Hàn Quốc tuần tra Vùng Đo đạc Tạm thời ở Hoàng Hải

ảnh: tuần duyên hàn quốc

Lời cảnh báo cho Hàn Quốc?

Trang Breaking Defense dẫn lời cựu trung tướng quân đội Hàn Quốc Chun In-bum gọi "đây là lời cảnh báo về mối đe dọa tiềm tàng đến từ Trung Quốc".

Trước yêu cầu bình luận về công trình xây dựng trên Hoàng Hải, ông Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, cho hay không được thông tin về tình huống cụ thể này.

"Tuy nhiên, theo tôi được biết, Trung Quốc và Hàn Quốc đang thúc đẩy đàm phán về phân định hàng hải và đã thiết lập cơ chế đối thoại, hợp tác về những vấn đề trên biển. Cả hai bên duy trì liên lạc vững chắc về những vấn đề hàng hải", theo Business Insider dẫn lời phát ngôn viên.

Những tranh chấp liên quan đến EEZ vẫn diễn ra tại các vùng biển của thế giới. Ví dụ, tại Địa Trung Hải, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách phân định bên sẽ quản lý và khai thác tài nguyên năng lượng.

Trong trường hợp ở Hoàng Hải, Hàn Quốc cho rằng ranh giới giữa hai EEZ đang trùng lắp chính là điểm chia đôi Hoàng Hải. Tuy nhiên, Trung Quốc bảo lưu quan điểm ranh giới trên biển phải được phân chia dựa trên độ dài bờ biển và dân số, theo Cục Quốc gia và Nghiên cứu châu Á (tổ chức nghiên cứu của Mỹ).

Năm 2001, Trung Quốc và Hàn Quốc đồng ý thiết lập Vùng Đo đạc Tạm thời cho các khu vực giao nhau giữa hai EEZ. Bên cạnh đó, các nước được yêu cầu tiến tới hạn chế đánh bắt cá trong phạm vi EEZ của họ nhưng thuộc Vùng Đo đạc Tạm thời.

Dù vậy, từ lâu chính quyền Seoul lên tiếng than phiền việc các tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển của Hàn Quốc, dẫn đến các tàu Hàn Quốc đáp trả bằng cách nổ súng về phía tàu cá đối phương.

Căng thẳng Hàn-Trung còn gây quan ngại vì có thêm yếu tố Mỹ. Chính quyền Washington đã ký kết thỏa thuận an ninh song phương với cam kết bảo vệ Hàn Quốc và hiện duy trì lực lượng gồm 28.000 binh sĩ tại lãnh thổ đồng minh.



Nguồn: https://thanhnien.vn/diem-nong-dang-hinh-thanh-tren-hoang-hai-185250211100309244.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available