Hẹn gặp NSND Tống Toàn Thắng tại phòng làm việc rộng chỉ tầm 20 m2 trong khu Rạp Xiếc Trung ương. Ở vai trò cương vị mới, anh vẫn vui vẻ tiếp đón và nhiệt thành chia sẻ về những câu chuyện về nghề xiếc. Anh nói, tháng 9 tới sẽ làm kỷ niệm 45 năm hoạt động nghề xiếc.
Trong mấy chục năm làm nghề, NSND Tống Toàn Thắng đã có hàng nghìn cuộc biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới. Đến bây giờ, anh vẫn nhớ như in những hào quang và cả những đau buồn, sự cố với nghề.
Vẫn luôn khát khao được ra sân khấu
– Bận rộn với vai trò Giám đốc Rạp xiếc Trung ương, dạo này “Thạch Sanh Việt Nam” có còn biểu diễn xiếc trăn?
Lên vị trí mới, tôi vẫn khát khao được diễn trên sân khấu vì đam mê. Với tôi, khán giả là tối cao trong sự cống hiến, mục đích cuối cùng của tôi vẫn là chinh phục khán giả. Nhưng quả thực, tôi không có nhiều thời gian. Hiện tại, tôi làm việc từ sáng đến 7-8 giờ tối. Có những hôm, sau khi đã về nhà, tôi quay lại phòng làm việc để tập trung suy nghĩ, sáng tạo.
Tôi chia sẻ như vậy để mọi người thấy, những nghệ sĩ có chuyên môn tốt khi làm quản lý không phải không muốn diễn nữa mà vì thời gian eo hẹp. Đó là sự hy sinh để làm nhiệm vụ mới. Sau 4 tháng với vai trò mới rất may liên đoàn đã có khởi sắc.
– Anh có tiếc nuối hay nhớ cảm giác đứng trên sân khấu được mọi người tung hô trước kia?
Sự chuyển giao từ việc đứng trước khán giả tới khi làm người dựng, sáng tạo vở diễn không làm tôi hụt hẫng. Tôi giờ là đạo diễn, thạc sĩ nghệ thuật sân khấu, không trực tiếp đứng trước khán giả nhưng gián tiếp đóng góp những sản phẩm nghệ thuật, những đứa con tinh thần và đồng hành cùng nhiều đồng nghiệp đi thi quốc tế.
Tôi không tiếc nuối nhưng vẫn khát khao biểu diễn nếu có thời gian. Tuổi tác không làm ảnh hưởng tới năng lượng và tinh thần của tôi. Dù ở vai trò mới, làm nhiều vở diễn được giải nhưng khán giả vẫn nhìn tôi là một ông diễn trăn. Hình ảnh đó là niềm hạnh phúc lớn lao theo tôi suốt đời.
Tôi cần thời gian nhiều hơn để thay đổi, phát triển ngành. Tôi không chỉ có nhiệm vụ nâng cao đời sống cho nghệ sĩ mà phải là người đầu đàn dẫn họ tới thành công cả về vật chất lẫn danh tiếng.
– Nghề xiếc vất vả, nguy hiểm và nhiều thiệt thòi, cụ thể là những gì?
Nghề xiếc phải bỏ 100% sức lực để làm, đau đớn khi ngã, luyện tập. Về già, nghệ sĩ xiếc hầu như bị bệnh nghề nghiệp. Tôi bị thoái hóa khớp gối, khớp tay, có những lúc đau phải bò vào nhà vệ sinh. Khán giả không hề biết chuyện ấy nhưng vinh quang bao giờ cũng phải trả giá.
Khi còn trẻ, tôi mang chuông đi đánh xứ người, không có nhiều thời gian ở với bố mẹ. Khi bố qua đời, tôi thậm chí không được ở nhà. Con tôi được 6 tháng, tôi phải đi nước ngoài 1 năm với nỗi lo con không nhận mặt được bố.
Nghệ sĩ xiếc cũng thiệt thòi vì làm nghề phục vụ. Những ngày nghỉ, người khác được đi chơi, chúng tôi phải đi làm. Bù lại, chúng tôi được chu du khắp thế giới. Đó là trải nghiệm có tiền chưa chắc mua được.
– Theo đuổi nghề xiếc có lẽ phải đấu tranh nội tâm rất lớn?
Nghề của chúng tôi học 5 năm vất vả, ra trường 2 năm mới cứng hơn một chút. Nhiều người diễn vài năm không may bị thương, không vượt qua được chính mình và áp lực gia đình nên bỏ cuộc. Theo nghề xiếc, đúng là phải đấu tranh nội tâm rất lớn. Nghề xiếc, ráo mồ hôi là hết tiền, chúng tôi cũng phải ăn nhiều mới có sức diễn. Tôi thương nghề của mình lắm.
Nhiều nghệ sĩ đi diễn về đau đớn vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ gia đình. Lúc dịch bệnh khó khăn, lương nghệ sĩ không đủ sống, phải bán hàng online. Nếu không có tâm với nghề, chúng tôi không thể tồn tại lâu.
Từng máu nhuộm đỏ người, suýt chết vì bị trăn siết
– Anh đã phải hy sinh và đấu tranh như nào?
Tôi diễn xiếc và thành danh từ năm 1983. Đến giờ phút này, tôi có thể viết tự truyện về cuộc đời nhiều thăng trầm, cảm xúc làm nghề.
Khi 15 tuổi, tôi đã bị ngã lúc luyện tập khiến mình vô thức, không nhớ gì trong nửa ngày, gia đình sợ nên bắt tôi bỏ nghề. Trong 45 năm theo nghề, tôi nhớ như in 4 lần suýt chết khi diễn với trăn.
Năm 1996 tại Thái Lan, tôi bị trăn cắn, siết chặt khi đang diễn nhưng vẫn chiến đấu tới nỗi người nhuộm đỏ máu. Lúc đó, tôi chỉ nhớ mình gần chết. Tôi nghĩ chỉ chịu đựng được 10 giây, khi tôi đếm đến 7, con trăn nhả tôi ra. Tôi gục xuống sau khi bức rèm sân khấu được buông xuống và thấy mình ở bệnh viện khi tỉnh dậy.
Khi tiếp nước xong, tôi tỉnh rồi nói bác sĩ băng lại và tiếp tục về sân khấu biểu diễn. Tôi phải ký giấy tự chịu trách nhiệm. Khi thấy tôi trên sân khấu, khán giả hò hét, phấn khích, gọi tôi là người hùng. Đó là một kỷ niệm khiến tôi hãnh diện.
– Vượt qua nỗi sợ của bản thân là một chuyện, còn những rào cản gia đình thì sao?
Tính cách tôi khá kiên định, không khuất phục nhưng với gia đình, sự nguy hiểm như vậy rất khó chấp nhận. Khi tôi chưa có gia đình, mẹ nhiều lần khóc trong bữa cơm, muốn tôi từ bỏ vì quá nguy hiểm. Những lúc như vậy, tôi chỉ trấn an và hứa sẽ cẩn thận, không chủ quan. Nhưng quả thực, mỗi lần tôi đi diễn, mẹ không ngủ được nếu tôi chưa về.
Khi đã lấy vợ, mẹ bắt tôi hứa không đi diễn nữa nhưng tôi chỉ tếu táo cho qua chuyện. Sau này, mẹ tin tưởng và rất tự hào về tôi. Nhưng quả thật, nhìn lại chặng đường mình đã đi, tôi thấy phải dũng cảm lắm mới vượt qua được những nỗi sợ đó.
– Gần đây, câu chuyện một nghệ sĩ xiếc nước ngoài tử nạn khi đang biểu diễn gây chú ý. Câu chuyện này có bài học, ý nghĩa như thế nào với anh?
Quả thật, sự nguy hiểm luôn rình rập nghề xiếc. Tuy nhiên, những nghệ sĩ như chúng tôi biết và chấp nhận điều đó và luôn chuẩn bị với tâm thế tốt nhất. Với tai nạn vừa qua với nghệ sĩ nước ngoài, tôi đã đưa ra thông báo, phân tích cho các đồng nghiệp hiểu. Bên cạnh đó, chúng tôi dặn dò nhau phải cẩn thận khi chuẩn bị.
Trong liên đoàn, có những diễn viên bị rơi ở độ cao 2-3m bị đứt tủy, liệt luôn, có những bạn nhưng may mắn sau 3 ngày nghỉ lại lên luyện tập, nhận ra lỗi sai và rút kinh nghiệm. Trước mỗi biểu diễn, chúng tôi đều kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe, tinh thần, phải đảm bảo 100% trước khi ra sân khấu.
– Vẫn có rất nhiều sự rơi rụng vì không vượt qua nỗi sợ nguy hiểm tính mạng, anh làm cách nào gieo tình yêu nghề vào các đồng nghiệp?
Trước khi diễn trăn, tôi cũng diễn xiếc ở độ cao. Bằng chính những gì tôi làm được, tôi tạo cho đồng nghiệp lòng tin. Với nghề xiếc, nói và làm phải đi đôi, nói được phải làm được, nghệ sĩ sẽ bị thuyết phục bởi điều đó.
Bản thân những đạo diễn, dàn dựng sân khấu phải giỏi. Mọi thứ được chuẩn bị kỹ càng, tỉ mỉ sẽ tạo được lòng tin với nghệ sĩ biểu diễn. Ít nhất, tôi phải giỏi mới tạo được niềm tin cho các nghệ sĩ biểu diễn.
Nghề đã mang lại nhiều thành công hơn mong đợi nên tôi luôn khát khao truyền nghề cho thế hệ sau. Tôi chỉ dạy tất cả những gì mình biết, không giấu diếm và muốn sát cánh cùng họ vươn ra quốc tế. Tôi đã được ăn trái ngọt nên phải biết gieo lại những gì tốt đẹp cho thế hệ sau với tâm thế khiêm tốn. Có lẽ, nhiều người nhìn thấy điều đó ở tôi nên luôn có sự tin tưởng, quyết tâm.
(Nguồn: Vietnamnet)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ