ThS Vũ Nguyên Bình, khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương), cho biết nốt ruồi là những nốt nhỏ sậm màu (đen hoặc nâu), có hình tròn hoặc bầu dục, xuất hiện đơn lẻ hoặc theo từng nhóm nhiều nốt liền kề nhau ở trên da.
Mỗi người có trung bình 10 – 40 nốt ruồi trên cơ thể. Đa số các nốt là lành tính, song cũng có một số nguy cơ ác tính, bị “ác tính hóa” do nằm ở các vị trí cọ xát trên cơ thể hoặc vị trí tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và hóa chất.
Các nốt ruồi nằm ở vùng cọ xát như ở khu vực quai áo, cạp quần, vùng cổ, nguy cơ biến tính cao do thường xuyên bị cọ xát, thậm chí gây chảy máu. Đặc biệt, ung thư tế bào hắc tố gặp nhiều nhất là các tổn thương nằm ở lòng bàn tay và bàn chân.
Những người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, đặc biệt là ánh sáng cường độ mạnh nguy cơ mắc bệnh tăng lên, và nguy cơ này cũng tăng dần theo tuổi. Ngoài ra, người tiếp xúc với hóa chất độc hại, nhiễm độc Arsenic (thạch tín). Các nốt ruồi ở vùng cọ xát: lòng bàn tay, bàn chân, cạp quần, quai áo…
Người có tiền sử gia đình mắc ung thư hắc tố có nguy cơ mắc nốt ruồi ung thư hóa cao hơn.
Dấu hiệu của nốt ruồi ác tính
Bác sĩ Bình chỉ rõ có 5 dấu hiệu nhận biết nốt ruồi có nguy cơ ác tính, theo nguyên tắc “ABCDE”:
A (asymmetry) – Nốt ruồi không đối xứng: Thông thường nốt ruồi có hình tròn và bầu dục, hai bên đối xứng nhau, nhưng với nốt ruồi có nguy cơ ác tính thì hai phía không đối xứng.
B (border) – Bờ tổn thương không đều: Các nốt ruồi lành tính có đường viền mềm mại, cong tròn nhưng nốt ruồi ác tính lại có viền như hình bản đồ, khúc khuỷu, không đều.
C (color) – Màu sắc không đồng nhất: Thay vì chỉ có màu nâu hay đen, nốt ruồi có nguy cơ ác tính có chỗ đậm, nhạt, chỗ đen, nâu hoặc mất sắc tố.
D (diameter) – Kích thước lớn: Nốt ruồi thông thường có đường kính thường dưới 6mm (to khoảng như đầu tẩy của cây bút chì). Các nốt ruồi có đường kính trên 6mm được đánh giá có yếu tố nguy cơ.
E (enlarging) – Phát triển bất thường: Kích thước một nốt ruồi bình thường tăng chậm, có khi mất 10 năm để tăng một vài mm, cuối cùng không phát triển. Với nốt ruồi có nguy cơ ác tính, thời gian chuyển từ kích thước nhỏ tới lớn rất ngắn, có thể chỉ trong vài tháng.
“Khi phát hiện các nốt ruồi bất thường trên da, đặc biệt là ở những vị trí hay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc các vị trí dễ cọ xát (lòng bàn tay, bàn chân), cần chủ động đi khám chuyên khoa da liễu, nốt ruồi bất thường xuất hiện có thể là dấu hiệu của khối u hoặc ung thư da”, bác sĩ Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra nên tập kiểm tra tại nhà, có thể nhờ người thân kiểm tra hoặc sử dụng gương soi. Dùng 1 tấm gương nhỏ hoặc đứng trước 1 tấm gương lớn để xem kỹ, rõ các nốt ruồi trên da hơn.
Phòng ung thư da thế nào?
TS Nguyễn Hồng Sơn, Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết ung thư da có thể áp dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị sau:
– Phẫu thuật: Ung thư da thường được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ ung thư rộng rãi, đối với một số thể ung thư, ngoài việc cắt bỏ tổn thương sẽ cần kết hợp với việc lấy bỏ hạch vùng lân cận nhằm ngăn chặn sự di căn.
– Xạ trị: Dùng phóng xạ tiêu diệt tế bào ung thư.
– Hóa trị: Dùng hóa chất gây độc tế bào điều trị ung thư da trong các trường hợp khối u lan rộng, di căn xa.
Có thể ngăn ngừa ung thư da bằng cách tránh ánh nắng mặt trời vào giữa ngày (từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều); Dùng kem chống nắng và bôi lại thường xuyên; Đội mũ rộng vành, áo dài tay hoặc quần dài; Không sử dụng giường tắm nắng; Điều trị bệnh da mạn tính, loét mạn tính.
Nguồn: https://tuoitre.vn/not-ruoi-co-nhung-dau-hieu-nay-nen-di-kham-ung-thu-2024092020105958.htm