Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp; đặc biệt, bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TU, tỉnh đã ban hành, sửa đổi bổ sung kịp thời các chính sách hỗ trợ Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2021-2030 giúp các chủ thể kinh tế sớm tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh đồng bộ, đạt năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế, thân thiện môi trường và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, 15/15 chỉ tiêu đều thực hiện đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, quy mô sản xuất ước đạt 1.355ha (Nghị quyết đề ra 1.000ha); giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ước đạt 990 triệu đồng/ha đất canh tác, riêng dưa lưới và nho CNC hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm (Nghị quyết đề ra 700 triệu đồng/ha/năm); 4 doanh nghiệp được công nhận CNC (Nghị quyết đề ra 2-3 doanh nghiệp); thu hút 40 doanh nghiệp đầu tư (Nghị quyết đề ra 30 doanh nghiệp); giá trị sản xuất nông nghiệp CNC giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 30,1%/năm (mục tiêu tăng 30-40%); đóng góp của nông nghiệp vào giá trị sản xuất của ngành đạt 18%, tăng 12% so với năm 2020.
Nổi bật, trong trồng trọt đã xây dựng được 74 liên kết chuỗi giá trị sản phẩm với diện tích hơn 15.400ha theo quy mô cánh đồng lớn. Trong đó, đã có 45 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng với quy mô 361,128ha; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng đặc thù có hiệu quả kinh tế cao đạt 2.921ha, vượt 45,8% mục tiêu nghị quyết; hầu hết các chuỗi liên kết trồng trọt đều ứng dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” và một số khoa học, công nghệ mới (tưới tiên tiến, nhà lưới,...), nên năng suất, chất lượng được nâng cao và mang lại hiệu quả kinh tế bình quân cao hơn 4 lần so với sản xuất lúa nước, giảm hơn 70% lượng nước tưới so với trước chuyển đổi. Điều đặc biệt quan trọng hơn là nhận thức của nhân dân đã có chuyển biến rõ nét, tích cực trong tổ chức sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; qua đó, đã góp phần tạo giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất canh tác đạt 155 triệu đồng/ha/năm, tăng 34 triệu đồng/ha/năm so với 2020, giá trị sản xuất ngành trồng trọt giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 4,76%/năm.
Chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và bền vững; tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác cải tạo giống vật nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng hoóc môn gây động dục hàng loạt và triệt sản vật nuôi có tầm vóc nhỏ, năng suất thấp (duy trì tỷ lệ lai đàn dê, cừu 90% và tăng tỷ lệ lai đàn bò lên 51%); tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn (105 trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, CNC), tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao. Qua đó, đã xây dựng 6 liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi, trong đó, có 1 chuỗi giá trị dê, cừu hướng đến xuất khẩu sang thị trường Halal; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 8,06%/năm, cao và khá ổn định, từng bước trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.
Đối với nuôi trồng thủy sản, ngành đã tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển nuôi biển, ưu tiên vùng nước sâu, ứng dụng CNC trang bị cảm biến nhiệt, độ mặn và máy cho ăn tự động. Đồng thời, giảm dần đối tượng nuôi truyền thống là con tôm để chuyển sang các đối tượng đặc sản có hiệu quả kinh tế cao như ốc hương, cá biển, tôm hùm,... Qua thống kê hiện có 17 cơ sở nuôi ốc hương bể đặt trong nhà với quy mô 92,6ha năng suất bình quân 18 tấn/ha; 5 cơ sở nuôi tôm thẻ công nghiệp 2 giai đoạn trong bể tròn HDPE có mái che với quy mô 8ha năng suất bình quân hơn 28 tấn/ha; 4 lồng tròn HDPE nuôi cá biển 2.000m3 và đang triển khai mô hình nuôi mực trong lồng HDPE với quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Mặt dù quy mô sản xuất giảm mạnh so với giai đoạn trước, nhưng nhờ áp dụng khoa học, CNC nâng giá trị sản xuất nuôi thủy sản giai đoạn 2021-2025 vẫn tăng bình quân 6,14%/năm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp sản xuất tôm giống ứng dụng CNC; 100% cơ sở sản xuất tôm giống được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; 100% cơ sở được giám sát an toàn dịch bệnh, trong đó có 12 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh (được miễn giám sát, chỉ hậu kiểm 1 lần/năm). Hầu hết các thành viên của Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận đều sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” trên nhãn mác để truy xuất nguồn gốc, quảng bá thương hiệu và khẳng định uy tín trên thị trường. Công tác xúc tiến, kết nối cung - cầu với các thị trường chủ lực đã thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ tôm giống tăng mạnh, ước đến cuối 2025 sản lượng tôm giống 45 tỷ con post, vượt 4 tỷ con so mục tiêu nghị quyết, chủ động một phần nguồn tôm bố mẹ (5.500 cặp tôm thẻ ứng với 15% và 4.000 cặp tôm sú ứng với 20%) trong sản xuất giống theo yêu cầu của thị trường; giá trị sản xuất giai đọan 2021-2025 tăng bình quân 4,83%/năm.
Đồng chí Đặng Kim Cương, cho biết thêm: Trên cơ sở những kết quả đạt được, giai đoạn 2025-2030, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, thủy sản phục vụ cho xuất khẩu. Trong đó, ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và thị trường.
Xuân Nguyên
Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152579p25c151/nong-nghiep-cong-nghe-cao-ve-dich-som.htm
Bình luận (0)