Bằng sự linh hoạt, táo bạo, nhiều nông dân ở xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn chuyển đổi, cải tạo những vùng đất kém năng suất thành mô hình kinh tế cho thu nhập khá.
Anh Lê Công Tuấn (áo trắng, ở thôn Xuân Lộc, xã Cẩm Thạch) đang cho tôm càng xanh ăn.
Hơn 10 năm trước, trên vùng đất bán sơn địa kém năng suất ở thôn Xuân Lộc (xã Cẩm Thạch), anh Lê Công Tuấn (SN 1981) đã mạnh dạn thuê lại hơn 7 ha đất để trồng keo và nuôi vịt.
Đến đầu năm 2020, khi đã có một ít vốn trong tay, anh tiếp tục học hỏi thêm mô hình nuôi tôm càng xanh, với hy vọng nâng cao thu nhập cho gia đình. Nghĩ là làm, anh Tuấn đã đầu tư gần 100 triệu đồng để thuê máy móc đào ao, đắp bờ thả nuôi 4 ao, với diện tích mặt nước hơn 6.000m2.
Nuôi tôm càng xanh giúp gia đình anh Tuấn tăng thu nhập và khai thác tối đa các diện tích đất sẵn có của gia đình.
Đất không phụ công người, qua thời gian bỏ công sức chăm sóc, đến nay, mô hình kinh tế của anh Tuấn đã có hơn 4 ha rừng keo nguyên liệu cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/chu kỳ khai thác; 1.000 con vịt đẻ, mỗi ngày thu hơn 800 quả trứng, thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm anh còn xuất bán hơn 1 tấn tôm càng xanh.
Từ nuôi vịt, thả tôm và trồng keo, mỗi năm anh Tuấn “bỏ túi” hơn 350 triệu đồng.
Anh Tuấn phấn khởi nói: “Bình quân mỗi năm, mô hình của tôi cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, thu lãi hơn 350 triệu đồng. Việc thuê lại và chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả sang làm trang trại là quyết định đúng đắn, giúp tôi có quỹ đất để đầu tư mở rộng sản xuất, khai thác và phát huy hết tiềm năng những bãi đất hoang hoá, tránh lãng phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Lê Văn Lộc (thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch).
Sau hơn một năm bắt tay vào nuôi ốc bươu đen, đến nay gần 3.000m2 mặt nước của anh Lê Văn Lộc (SN 1994, thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Anh Lộc cho biết: “Năm 2022, nhận thấy ốc bươu đen là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, được người dân ưa chuộng nhưng ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên, nên sau khi tham khảo nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh, tôi đã quyết định đầu tư nuôi loài động vật thân mềm này để nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình”.
Dù mới thả nuôi được hơn 1 năm nhưng mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Lộc đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Khi bước vào nuôi ốc bươu đen, anh Lộc đã thuê gần 3.000 m2 mặt nước bỏ hoang của thôn, đồng thời tiến hành xây dựng hệ thống nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau khi hoàn thiện hồ nuôi, anh Lộc chia diện tích làm 3 ao và thả 4 vạn con ốc giống nhập từ Hà Nội cho lứa đầu tiên.
Anh Lộc chia sẻ: “Qua hơn 1 năm nuôi, tôi đã xuất bán được hơn 1 tấn ốc thương phẩm và hơn 35 vạn ốc giống, thu về gần 130 triệu đồng. Hiện tại, tôi vừa thả thêm 4 vạn ốc giống; ốc thích nghi và phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 8 tới, với sản lượng khoảng gần 3 tấn. Từ nguồn thu này đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, có điều kiện mở rộng quy mô trong thời gian tới”.
Mô hình nuôi ếch của ông Trần Văn Hiếu ở thôn Na Trung (xã Cẩm Thạch).
Vừa xuất bán gần 4 vạn con ếch giống, thu về gần 40 triệu đồng, ông Trần Văn Hiếu (SN 1960, ở thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch) phấn khởi cho biết: “Tôi bắt đầu nuôi ếch từ năm 2022, đây là loài vật nuôi dễ chăm, không tốn quá nhiều diện tích, tận dụng được mọi không gian để nuôi. Hiện tôi đang thả nuôi trong 5 chuồng bê tông, mỗi năm từ việc bán ếch giống và ếch thịt đem về cho gia đình khoảng 70 triệu đồng tiền lãi. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô lên 10 chuồng để có đủ nguồn cung cho thị trường”.
Được biết, ngoài nuôi ếch, gia đình ông Hiếu còn nuôi 10 con dê và 6 bể lươn đồng; mỗi năm, từ nuôi dê, lươn đồng và ếch đem về cho gia đình ông Hiếu hơn 120 triệu đồng, giúp gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên trở thành hộ khá của địa phương.
Toàn xã Cẩm Thạch hiện có 15 mô hình kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 10 mô hình cho thu nhập từ 120 – 350 triệu đồng.
Ông Trương Quang Thuận – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thạch cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 15 mô hình kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 10 mô hình cho thu nhập từ 120 – 350 triệu đồng/năm. Các mô hình được sự hỗ trợ ban đầu của xã về vốn, quy trình sản xuất… đang từng bước vươn lên, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của xã, đặc biệt là quá trình xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất theo hướng công nghệ cao với những cây, con có năng suất và giá trị kinh tế cao”.
Đức Quân