Sau gần 2 năm áp dụng các biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường không chỉ giúp nhiều hộ dân tại các địa phương giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà góp phần bảo vệ môi trường.
Chuyên gia hướng dẫn cách đo phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa cho cán bộ hội nông dân.
Vụ lúa mùa năm 2022, gia đình ông Tăng Hoa Hiển, thôn Duyên Phú, xã Phú Lương (Đông Hưng) tham gia dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường. Ông Hiển dần từ bỏ phương pháp canh tác truyền thống, tích cực áp dụng kiến thức đã được tập huấn để cấy lúa theo phương pháp mới. “Nhờ áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp gia đình tôi giảm khá nhiều tiền công và chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp canh tác truyền thống. Nhờ vậy, sâu bệnh giảm rõ rệt, cây lúa khỏe hơn, hạn chế được tình trạng lúa đổ ngã, chất lượng gạo được đánh giá rất tốt, hạt chắc, mẩy và có mùi thơm. Vụ lúa xuân này tôi tiếp tục canh tác theo phương thức mới và có triển vọng khá tốt” – ông Hiển chia sẻ.
Theo ông Hiển, từ đầu vụ lúa xuân đến nay 5 sào lúa của gia đình ông chưa phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông cùng các hộ dân khác trong xã cũng nhất trí sẽ thực hiện các biện pháp canh tác xuyên suốt để giảm chi phí sản xuất, bảo đảm lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ông Hiển, ở xã Phú Lương còn có nhiều nông dân tham gia thực hiện mô hình với tổng diện tích khoảng 90ha.
Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Sau khi có dự án, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các hộ dân tích cực tham gia. Cùng với đó, HTX phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến và kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng vi sinh. Thông qua tập huấn giúp bà con thực hiện dự án tiếp cận phương pháp canh tác lúa hữu cơ hiệu quả và bắt tay vào canh tác lúa thân thiện với môi trường. Qua đánh giá, khi áp dụng kỹ thuật canh tác mới, lúa có bộ rễ phát triển mạnh, cây khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Năng suất cao hơn nhiều so với cùng diện tích canh tác truyền thống. Bên cạnh đó, hoạt động bơm nước phục vụ tưới, tiêu đã giảm từ 3 – 4 lần/vụ, tiết kiệm từ 30 – 40 triệu đồng/vụ. Việc thực hiện bón phân theo chu kỳ còn giúp các hộ dân tiết kiệm chi phí từ 40.000 – 60.000 đồng/sào/năm. Qua đó góp phần bảo vệ cây lúa, bảo vệ môi trường, giảm chi phí sản xuất và tăng thêm lợi nhuận cho nông dân. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn giữ tư duy sản xuất truyền thống “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” khiến việc nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường vẫn chưa được đẩy mạnh.
Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) thường xuyên đốt rơm, rạ. Kể từ khi chuyển sang canh tác lúa thân thiện với môi trường, tình trạng này đã không còn, tất cả rơm, rạ được tận dụng để làm phân ủ hữu cơ.
Bà Bùi Thị Hái, Chủ tịch Hội Nông dân xã tiên phong thử nghiệm canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích 2ha. Bà cho biết: Từ khi áp dụng các biện pháp canh tác mới giúp đất xốp, màu mỡ hơn, đồng thời sản lượng cao hơn nhiều so với cách canh tác truyền thống. Trong vụ mùa năm 2022, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 2,8 tạ thóc/sào. Tuy nhiên, diện tích canh tác lúa thân thiện với môi trường trong xã còn rất manh mún nên chưa thể tạo dựng được niềm tin và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Do đó, đầu ra cho sản phẩm của nông dân vẫn chưa được bảo đảm.
“Hiện nay, nhiều nông dân chưa mặn mà với canh tác lúa thân thiện với môi trường. Bên cạnh vấn đề về đầu ra cho sản phẩm, giá thành của phân vi sinh khá cao cũng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hộ sản xuất. Một số vùng chiêm trũng lại gặp khó khăn khi áp dụng các nguyên tắc canh tác mới. Cùng với đó, khi ruộng khô khiến cho tình trạng chuột phá hoại lúa mùa xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy sẽ phát sinh các khoản chi dành cho việc thuê nhân công để diệt chuột. Hiện nay, lực lượng lao động để thực hiện việc ủ phân hữu cơ vẫn còn thiếu khá nhiều” – ông Ngô Doãn Đô, Giám đốc HTX DVNN xã Quỳnh Thọ cho biết.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Sau 2 năm triển khai, đến nay dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường đã mang lại những kết quả tích cực cho người nông dân. Dự án đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của nông dân trong sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường. Có thể khẳng định, việc áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường là giải pháp hữu ích bảo vệ môi trường, sức khỏe nông dân do hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nhân rộng mô hình theo hình thức “nông dân dạy nông dân”, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa gạo an toàn, thân thiện với môi trường.
Chuyên gia đo phát thải nhà kính trong canh tác lúa tại xã Phú Lương (Đông Hưng).
Nguyễn Triệu