(QBĐT) - Cho đến nay, tác phẩm Ô châu cận lục của Dương Văn An vẫn là nguồn trích dẫn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu khi tiếp cận vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và phía bắc Quảng Nam trong quá khứ và hiện tại.
Ô châu cận lục là tác phẩm địa chí nổi tiếng vào thế kỷ XVI dưới thời Lê-Mạc nhưng lại có tác dụng to lớn trong cuộc sống đương đại. Cũng nhờ cuốn sách này, chúng ta dễ dàng tra cứu về lịch sử, văn hóa của vùng đất thông qua tên làng xã, tiểu sử một số nhân vật, di tích, phong tục tập quán để tái hiện diện mạo lịch sử và một số phong tục tập quán lâu đời của một vùng đất, trong đó có phủ Tân Bình xưa và tỉnh Quảng Bình nay.
Ngay chính soạn giả của Ô châu cận lục là tiến sĩ Dương Văn An, người con Quảng Bình, ông sinh năm 1514 tại làng Tuy Lộc, nay thuộc xã Lộc Thủy (Lệ Thủy). Ông đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi năm 1547 dưới thời Mạc Phúc Nguyên. Ông biên soạn Ô châu cận lục vào khoảng năm 1553-1555.
|
Theo soạn giả Dương Văn An thì sách này xuất phát từ hai bản ghi chép về phủ Tân Bình và phủ Triệu Phong, của hai nho sinh đồng hương với soạn giả. Hai bản thảo này ghi đủ về hình thế núi sông, tên gọi sản vật, phong tục lề thói, nhân vật của hai vùng đất này. Năm 1553 nhân về quê cư tang, Dương Văn An gặp được hai bản thảo này, liền khảo cứu thêm trong sử sách và tận dụng những điều mắt thấy tai nghe, chỗ rườm rà thì bỏ bớt, chỗ sơ sài thì bổ sung, đặt tên mới là Ô châu cận lục, cất để dùng tham khảo cho mình.
Công trình nhuận sắc của Dương Văn An hoàn tất vào năm 1555 nhưng chưa hề được khắc in. Tuy thế, sách vẫn lưu hành qua những bản chép tay. Và được người đời sau trọng dụng và cho đến nay đã có 7 bản dịch được xuất bản. Trong đó, năm 2015, Sở Khoa học-Công nghệ Quảng Bình đã phối hợp với nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, giảng viên Hán Nôm khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế đã tổ chức biên dịch, chỉnh sửa và bổ sung, cập nhật địa danh hành chính và cho xuất bản tác phẩm Ô châu cận lục. Qua đây để thấy được rằng, vùng đất con người Quảng Bình có vị trí quan trọng trong tác phẩm Ô châu cận lục.
Non nước Quảng Bình trong Ô châu cận lục được Dương Văn An ghi chép biên soạn bao gồm:
- Núi thì có núi Hoành Sơn, núi Lỗi Lôi, núi Đâu Mâu, núi Thần Đinh, núi An Mã, núi Sen
- Động thì có Chân Linh.
- Sông lớn thì phá Nhật Lệ, Thiển Hải (biển cạn), sông Bình Giang, vực An Sinh, Cảng Lan, đìa Sen.
- Khu vực đầu nguồn thì có nguồn Cơ Sa, nguồn An Đại.
- Cửa biển thì có cửa Roòn, cửa Bố Chính, cửa Nhật Lệ.
Đối với sản vật Quảng Bình, Dương Văn An mô tả rất rõ gồm có trầm hương ở huyện Khang Lộc, chiếu hoa ở làng Đại Phúc Lộc (Lệ Thủy), gối hoa ở trang Đại Hoàng châu Bố Chính. Sản vật đầu nguồn có mít nài ở châu Bố Chính, mật ong, quả trám ở các nguồn huyện Khang Lộc, châu Bố Chính và nhiều loại cá, thủy sản, hải sản khác ở các sông, hồ, biển thuộc Quảng Bình xưa được Dương Văn An ghi chép đầy đủ.
Đặc biệt là trong môn bản đồ, Dương Văn An đã thống kê ra được danh sách tên làng của các huyện Lệ Thủy có 33 làng 1 thôn, huyện Khang Lộc 74 làng, châu Bố Chính 69 làng. Và sau này các nhà nghiên cứu ở Huế như các thầy giáo: Phan Đăng, Trần Đại Vinh đã dày công khảo cứu tìm hiểu tên làng cũ và làng đã đổi tên để hiệu đính một cách toàn vẹn tên gọi các làng ở Quảng Bình xưa nay.
Thành và chợ trên địa bàn Quảng Bình có thành Ninh Viễn, chợ Đại Phúc (Lệ Thủy). Đền và chùa: Chùa Kính Thiên, chùa Đại Phúc (Lệ Thủy), chùa Hóa ở huyện Khang Lộc, đền thần Thủy Lan (Lệ Thủy).
Người dân Quảng Bình xưa cũng có nhiều nhân vật làm rạng danh cho vùng đất biên viễn của Đại Việt, có thể kể đến những người mà Dương Văn An nhắc đến trong Ô châu cận lục, như: Phan Mãnh, Phạm Thế Căng, Nguyễn Tử Hoan, Nguyễn Đa Cả, Thanh Quận công, Phạm Thượng tướng… họ là những thổ hào địa phương, có công lớn trong việc phò vua, giúp nước để lại tiếng tốt cho đời sau.
Trên con đường khoa cử có Nguyễn Đình Cầu người huyện Khang Lộc thì đỗ khoa Hoằng tử năm Hồng Thuận thứ 5 (1513).
Quan văn có Trần Nguyên Diễn, Tri phủ họ Trần, Phạm Văn Các, Nguyễn Đình Bửu, Thái Nhân Nghĩa, Tri phủ họ Phạm, Phạm Tri Chỉ, Tri châu họ Phan, Trần Đình Hy, Trần Vỹ, Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Công Đán, Phạm Cư là người huyện Lệ Thủy; Phan Lại người huyện Khang Lộc, Tri châu họ Hồ, Tri huyện họ Nguyễn người châu Bố Chính.
Quan võ có Nguyễn Đình, Khống lãnh họ Hoàng người huyện Khang Lộc; Nguyễn Hùng, Phan Cư, Dương Triệt, Mai Trang, Hoàng Hiền người huyện Lệ Thủy; Phạm Tử Linh, Phạm Khắc Khoan người châu Bố Chính.
Nội quan có Thượng xã họ Hoàng người huyện Khang Lộc; Võ Tri Giám, Giáp Cống, Phạm Phi Diệu, Nguyễn Túc là người huyện Lệ Thủy.
Võ sĩ có Nguyễn Bá Tề, Võ Nậu người huyện Khang Lộc; Hoàng Công Châu, Dương Liễu, Hoàng Công Sàng là người huyện Lệ Thủy.
Giá trị của Ô châu cận lục mà Dương Văn An biên soạn đã phần nào nói lên được diện mạo của vùng đất phủ Tân Bình xưa và Quảng Bình ngày nay. Qua đây mới thấy được rằng, từ thế kỷ XVI vùng đất Quảng Bình vốn đã phong phú về danh thắng, phong tục tập quán, sự thông minh hiếu học, nghĩa khí của con người, sự đa dạng về nếp ăn ở, sinh hoạt của cư dân miền núi cũng như miền xuôi, sự giàu có về tài nguyên sản vật. Chính những điều này đã làm cho các thế hệ con cháu Quảng Bình hôm nay và mai sau cảm thấy tự hào về quê hương, đất nước và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của địa phương trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
Cũng nối tiếp dạng sách địa chí về một vùng đất như Ô châu cận lục, sau này nhiều nhà nghiên cứu ở Quảng Bình cũng đã xuất bản được nhiều sách địa chí làng, xã, huyện, thành phố… đã tiếp tục khẳng định vùng đất con người Quảng Bình giàu vốn truyền thống xây dựng và bảo vệ quê hương. Đó là điều đáng trân trọng.
Trần Nguyễn Khánh Phong
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/non-nuoc-quang-binh-qua-o-chau-can-luc-cua-duong-van-an-2224398/
Bình luận (0)