Từ đầu năm đến hết tháng 5-2023, thu ngân sách Nhà nước của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, bằng 53,3% chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao, song so với cùng kỳ năm 2022 chỉ bằng 88%. Sự sụt giảm này đã được dự báo và là tất yếu khách quan. Trong khi đó, theo kế hoạch Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoạt động để thực hiện bảo dưỡng lớn lần đầu theo thiết kế vào tháng 8 năm nay, đồng nghĩa sụt giảm kim ngạch nhập khẩu dầu thô, sụt giảm nguồn thu ngân sách. Trước thực trạng này, Cục Hải quan Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu trong năm.
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn nắm bắt thông tin hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Trong nguồn thu trên, số thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn (đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn) đạt gần 7,12 nghìn tỷ đồng. Trong đó số thu từ nhập khẩu dầu thô phục vụ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm chủ yếu với 5,84 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, từ đầu năm đến 31-5, Cục Hải quan Thanh Hóa đã làm thủ tục nhập khẩu 15 chuyến dầu thô, với số thu mỗi chuyến là 390 tỷ đồng. Số thu còn lại chủ yếu thuộc nhóm hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất của các dự án trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, như: phế liệu sắt, thép, than đá, hóa chất, phụ liệu lọc hóa dầu, dầu cọ…
Nguyên nhân tác động trực tiếp đến sự sụt giảm nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu được xác định là do sự biến động khó lường từ tình hình kinh tế – chính trị thế giới năm 2023, như: xung đột vũ trang Nga – Ukraine, dịch bệnh, lạm phát tăng cao, giá dầu sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ thấp tại một số thị trường quan trọng như Mỹ, EU… đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Thông tin từ Cục Hải quan Thanh Hóa cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn đặt hàng trong quý 3, quý 4-2023, nên buộc phải cắt giảm sản lượng sản xuất, hoặc hạn chế nhập khẩu nguyên liệu.
Trong bối cảnh này, từ đầu năm đến nay Cục Hải quan tỉnh đã nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, như tăng cường đối thoại hải quan – doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Đồng thời đảm bảo môi trường hải quan điện tử được vận hành thông suốt; tăng cường số lượng thủ tục hành chính được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan, đảm bảo hầu hết thủ tục hành chính cấp Chi cục Hải quan được cung cấp dịch vụ ở mức độ 4. Đến hết tháng 5-2023, cục đã thông quan hơn 48.000 tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022; thông quan 680 hồ sơ khai báo phương tiện vận tải đường biển; giải quyết hơn 400 thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022…
Tuy nhiên, do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU giảm mạnh đã khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 9,8% so với cùng kỳ 2022, đạt 1,44 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD. Trong đó kim ngạch mặt hàng dầu thô sụt giảm 15%. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: dầu thô, sắt thép phế liệu, dầu cọ tinh luyện,… đều giảm so với cùng kỳ.
Cục Hải quan Thanh Hóa dự báo, trong thời gian tới, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với các ngành may mặc, da giày và sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, việc giá nguyên liệu sản xuất thép tiếp đà giảm và kế hoạch bảo dưỡng lần đầu theo thiết kế của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng sẽ khiến kim ngạch nhập khẩu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, theo dự tính, thời gian Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng hoạt động để bảo dưỡng trong 1 tháng, sẽ giảm 3 chuyến dầu thô nhập khẩu, dự toán thu ngân sách cũng giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bảo dưỡng nhà máy thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và thời gian có thể kéo dài hơn so với dự kiến. Theo chiều hướng này thì chỉ tiêu thu ngân sách của Cục Hải quan tỉnh trong năm 2023 đạt 13,85 nghìn tỷ đồng sẽ gặp khó khăn.
Theo ông Lê Xuân Cương, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, trước mắt, cục đã kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ tối đa cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoàn thành bảo dưỡng theo đúng theo kế hoạch. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành của đơn vị, sớm tiếp cận triển khai mô hình hải quan thông minh, hải quan số, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu…
Cùng với tập trung nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước là giải pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước, Cục Hải quan tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn để góp phần thu hút các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh, tăng cường các nguồn thu ngân sách. Trong đó đẩy mạnh công tác kêu gọi hãng tàu, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu để đa dạng hóa tuyến container quốc tế và nội địa qua cảng Nghi Sơn. Kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp lớn có trụ sở trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, nhất là các tập đoàn sản xuất ô tô, giày da, phế liệu, có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất lớn, số thu nộp ngân sách hàng năm cao thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn…
Bài và ảnh: Đỗ Đức