Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo được công bố công khai trên trang TTĐT của Cục PTTH&TTĐT tại địa chỉ https://abei.gov.vn
Bộ TT&TT đã chủ động nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý quảng cáo trên mạng, đặc biệt là trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Trong đó bổ sung: Trách nhiệm cụ thể của nền tảng quảng cáo trong và ngoài nước; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới không tuân thủ các quy định về quảng cáo tại Việt Nam; Trách nhiệm của nghệ sĩ, KOL khi quảng cáo; Trách nhiệm quản lý về quảng cáo của các bộ chuyên ngành, địa phương;…
Bộ TT&TT cũng triển khai các hệ thống kỹ thuật để rà quét và xử lý các vi phạm quảng cáo, đặc biệt là với các video có nội dung xấu độc. Các giải pháp bao gồm việc sử dụng công nghệ AI kết hợp với nhân sự chủ động kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ TT&TT yêu cầu các đại lý quảng cáo, nhãn hàng và người phát hành quảng cáo phải chủ động rà soát nội dung và vị trí cài đặt quảng cáo. Các đơn vị này không được hợp tác với các website, kênh, hoặc tài khoản vi phạm pháp luật.
Trong năm 2024, Bộ TT&TT triển khai sáng kiến “White List”, một danh sách các trang web, kênh và tài khoản có nội dung sạch và tuân thủ pháp luật. Dòng tiền quảng cáo được điều hướng từ các nền tảng xuyên biên giới vào các nền tảng nội dung số trong nước. Danh sách này đã được mở rộng từ 7.028 lên gần 8.000 trang/kênh/tài khoản, nhằm thúc đẩy quảng cáo lành mạnh, có ích cho cộng đồng.
Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, cũng như các cơ quan chức năng khác, để ban hành quy chế phối hợp về việc hạn chế sự xuất hiện của các nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục trên các nền tảng truyền thông xã hội, trên báo chí và trong các sự kiện biểu diễn.
Năm 2024, Bộ TT&TT đã thực hiện công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Trong khi năm 2023 đã xử lý 10 trường hợp với tổng số tiền phạt là 175 triệu đồng, trong năm 2024, Bộ đã xử lý 6 trường hợp với tổng số tiền phạt 130 triệu đồng. Các biện pháp xử phạt này đã góp phần vào việc giảm thiểu các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, công tác quản lý quảng cáo trên không gian mạng vẫn đối mặt với một số thách thức. Các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới liên tục thay đổi thuật toán và hình thức phân phối quảng cáo, điều này gây khó khăn trong việc rà quét và phát hiện vi phạm. Các đối tượng vi phạm cũng ngày càng tinh vi hơn khi lợi dụng công nghệ để lẩn trốn, sử dụng tài khoản ẩn danh để cài đặt quảng cáo vi phạm.
Ngoài ra, hệ thống quy định pháp luật hiện nay vẫn chưa đầy đủ để xử lý hết các hành vi vi phạm phổ biến. Chế tài xử phạt đối với các nền tảng xuyên biên giới cũng chưa đủ sức răn đe, dẫn đến một số nền tảng vẫn không tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
Bộ TT&TT đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để quản lý quảng cáo trên không gian mạng, nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng và đảm bảo môi trường quảng cáo lành mạnh. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, công tác quản lý quảng cáo trên mạng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện về mặt pháp lý và kỹ thuật, đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và các nền tảng xuyên biên giới./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/no-luc-quan-ly-quang-cao-tren-khong-gian-mang-197241225171830601.htm