Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2 – 6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Mường Lát lấy mẫu xét nghiệm HIV cho bà mẹ mang thai.
Từ năm 2009, Thanh Hóa đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo đó, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép triệt để vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất để có thể khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản có mạng lưới “chân rết” đến tuyến xã và thôn/bản vì vậy việc chăm sóc và hỗ trợ phụ nữ mang thai và con của họ tốt hơn trong suốt quá trình mang thai và sau sinh. Bằng nguồn ngân sách địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí trong quá trình quản lý thai nghén, tại tuyến y tế cơ sở. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ngay tại các cơ sở y tế, hỗ trợ thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, bên cạnh được quản lý, chăm sóc điều trị, xét nghiệm miễn phí còn được cấp sữa ăn thay thế miễn phí, cho đến khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng, đủ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xét nghiệm HIV cho 7.563 phụ nữ mang thai, phát hiện mới 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 11 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; 11 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và 100% trẻ đều được điều trị dự phòng ARV (xét nghiệm sau 18 tháng có kết quả âm tính đạt 100%); 7 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm PCR lần 1, trong đó, số trẻ được làm xét nghiệm HIV trong vòng 2 tháng tuổi có 4 trẻ; số trẻ được làm xét nghiệm PCR từ 2 đến 18 tháng tuổi là 3 trẻ. 7/7 trẻ đều có kết quả HIV âm tính.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đăng Tùng, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại Thanh Hóa, tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị đạt hơn 90%. Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi bệnh nhân được điều trị sớm sẽ giúp cải thiện được tình trạng sức khỏe. Đồng thời, ngăn chặn được sự nhân lên của vi-rút HIV trong cơ thể, làm giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, để sinh ra những đứa con không bị nhiễm HIV, người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị ARV và tuân thủ điều trị tốt; cần theo dõi thai kỳ, tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng. Các biện pháp can thiệp trong chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con dù khá hiệu quả nhưng nếu muốn sinh con, người nhiễm HIV cần có tư vấn của bác sĩ để được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức cho một thai kỳ khỏe mạnh, cần được theo dõi, điều trị đầy đủ.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình nhằm mục tiêu góp phần giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nhiễm HIV cũng như giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, nếu không có can thiệp thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể từ 15 – 45%. Tuy nhiên nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ này có thể giảm xuống chỉ còn 2 – 6%, thậm chí là 0%. Để thực hiện tốt mục tiêu này, những năm qua, Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, trong đó có công tác tư vấn xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để từ đó áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng hiệu quả và đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch HIV mới xuất hiện. Để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Vì sức khỏe và tương lai của con em mình, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh và được điều trị theo phác đồ sớm, bệnh nhân có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con + Các can thiệp trước sinh: tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con… là những biện pháp hết sức cần thiết và hiệu quả làm giảm tỷ lệ lây truyền mẹ con. + Các can thiệp trong khi sinh: với những phụ nữ chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền mẹ con theo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn… + Can thiệp sau sinh: chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Trẻ cần được giới thiệu và chuyển gửi tới các phòng khám ngoại trú cho trẻ em để theo dõi và điều trị ARV. Những phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho những trẻ sinh ra từ các bà mẹ này. |
Bài và ảnh: Tô Hà