Ít hôm sau đó, nhà bên ngoại có việc, vợ thức dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị đồ đoàn về quê. Vợ liên tục gọi dậy, nhưng tôi vẫn cố gắng trì hoãn. Vợ bực mình nói toáng lên rằng tôi vô trách nhiệm. Rồi vợ nhắc lại câu chuyện tôi đã làm những gì cho nhà hàng xóm. Vợ còn nói tôi chỉ được cái nhiệt tình thái quá, chả lượng sức mình. Chả là hôm tiếp khách cho nhà hàng xóm tôi uống nhiều quá, say bò, phải nghỉ việc cả hôm sau.
Nghe vợ kể tội một hồi tôi mới nói rằng, “Thì cũng là bán anh em xa, mua láng giềng gần thôi mà. Ông bà dạy rồi”. Vợ im lặng, vì biết có nói cũng chả lại.
Từ bé tôi đã thuộc lòng câu nói và sự giảng giải về tầm quan trọng của hàng xóm láng giềng trong quan hệ làng xã. Lớn lên lập nghiệp ở xa, anh em đều ở quê, tôi luôn vận dụng điều đó, cố gắng hết sức để làm thân những người hàng xóm với hy vọng tắt lửa tối đèn có nhau. Vợ có lần nói tôi vận dụng cực đoan, nhưng tôi thì lại luôn cho rằng cứ sẵn lòng, không được đền đáp lúc này thì lúc khác.
Vả lại, ở cùng khu dân cư thì phải đoàn kết mới vui vẻ được. Ban liên cán, các tổ chức đoàn thể của khu phố chả luôn kêu gọi điều đó còn gì. Năm nào khu phố chả tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, nhạc nhẽo, tiệc tùng ầm ĩ đấy thôi. Loa truyền thanh của phố tháng nào cũng thông tin, kêu gọi người dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng phố văn hóa.
Tôi thấm nhuần điều đó, và luôn cố gắng để điều đó diễn ra. Có điều càng ngày tôi càng thấy vợ mình có lý.
Cách đây chưa lâu, hàng xóm nói rằng con trai anh vừa tốt nghiệp đại học, nhờ tôi xin vào làm việc trong nhà nước vì nghĩ tôi có quan hệ rộng. Nể hàng xóm, tôi cố gắng đặt vấn đề với một chỗ quen và chờ đến đợt cơ quan tuyển dụng.
Để vào làm việc ở cơ quan nhà nước phải qua thi tuyển, và con nhà hàng xóm trượt, vì cháu chỉ tốt nghiệp ở một trường nhóm dưới, lại chẳng chịu ôn thi. Tôi đã nói rõ lý do những không tránh khỏi sự dỗi hờn. Hàng xóm nói với cả khu phố rằng vì anh không đưa tiền nên tôi đã cố ý để con họ trượt. Tôi ngậm ngùi giải thích với người dân trong khu phố, nhưng có lý do gì họ phải nghe tôi, vì câu chuyện mà hàng xóm nói lâu nay phổ biến trong xã hội.
Tôi mất một hàng xóm mà tôi đã cố gắng bao năm “bán anh em xa mua láng giềng gần” chỉ vì tôi đã không giúp để con anh có việc làm. Tại sao hàng xóm không nhìn thấy sự nhiệt tình và trách nhiệm của tôi trước đó, mà cứ cố áp đặt theo ý chí của mình rồi sẵn sàng “bán đi” một hàng xóm có trách nhiệm.
Hòa hiếu, cố kết trong cùng một cộng đồng là nét đẹp ngàn đời của người Việt. Nhưng để những cộng đồng thực sự trở nên đoàn kết, thì lối sống, ứng xử phải được xây dựng và vận hành trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, tôn trọng và chia sẻ. Còn nếu ai đó cứ đặt lợi ích của mình lên trên, thì có cố gắng đến đâu chăng nữa cũng sẽ khó có những hàng xóm tốt, cộng đồng dân cư thống nhất.
Những khu dân cư đang hô hào xây dựng đời sống văn hóa. Họ có quyết tâm, nhưng hơn cả phải có tấm lòng. Còn nếu như cứ đặt lợi ích riêng mình lên trên, thì có cố gắng đến mấy cũng chỉ là những cộng đồng lỏng lẻo.
Hạnh Nhiên
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/mua-lang-gieng-gan-245360.htm
Bình luận (0)