Nghề dệt thổ cẩm ở Việt Nam là một trong những nghề đang được quan tâm hiện nay. Ngoài việc kích cầu phát triển du lịch ở miền núi, nó còn tác động tích cực đến việc phục hồi phát triển nghề dệt truyền thống của một số dân tộc ít người ở các địa bàn trong cả nước. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ dừng ở những kỹ thuật dệt, cài màu mà còn chứa đựng giá trị văn hóa tộc người, cũng như những dấu ấn lịch sử xã hội trong đó.
Đắk Lắk là nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống, họ đã tạo nên không gian văn hóa truyền thống riêng biệt, trong đó, dệt thổ cẩm truyền thống của người M’nông R’lăm (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) là một trong những nghề thủ công độc đáo trên vùng đất này. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, các dân tộc nơi đây đã giao thoa văn hóa và vô tình đánh mất đi bản sắc riêng. Nhận thấy được vấn đề đó, chính quyền địa phương các cấp và những người tâm huyết đang cùng chung tay bảo tồn nét đẹp văn hóa này trước nguy cơ bị mai một.
Với tình yêu và niềm đam mê với thổ cẩm, không muốn cho nghề truyền thống bị mai một, trong một chuyến công tác tại huyện Lắk vào năm 2023, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy bà H’Kim Hoa Byă đã đến thăm nơi dệt của đồng bào người M’nông R’lăm tại buôn Lê. Khi chứng kiến người dân nơi đây miệt mài ngồi bên khung dệt những tấm vải với nhiều hoa văn, họa tiết dưới chân nhà văn hóa cộng đồng của buôn, bà quyết định hỗ trợ để họ lưu giữ và phát triển nghề truyền thống này.
Đến tháng 10/2023, bà làm việc với địa phương để người dân được sử dụng nhà văn hóa cộng đồng buôn làm nơi dệt thổ cẩm truyền thống. Đồng thời, bà hỗ trợ nguyên liệu dệt (chỉ, sợi tơ) và tìm kiếm đầu ra để thu hút thêm nhiều người dân tham gia dệt.
Là người luôn mong ước nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình sẽ được bảo tồn và phát triển trong bối cảnh hiện đại ngày nay, nên khi được bà H’Kim Hoa mời về dạy nghề dệt cho đồng bào, chị H’Đen Bkrông (buôn Jun, thị trấn Liên Sơn) đã đồng ý ngay. “Bản thân từng được tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm tại trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột) nên rất thành thạo các hoa văn nguyên bản. Vậy nên, khi được mời về để dạy nghề dệt cho mọi người chị đã chia sẻ: “tôi rất vui, vì hiện nay vẫn có người quan tâm đến nghề truyền thống này. Đây là cơ hội để tôi được truyền lại kiến thức, nghề truyền thống cho đồng bào mình. Một mình bản thân biết thì không hay bằng nhiều người cùng biết nên tôi nỗ lực cầm tay chỉ việc cho mọi người, qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc mình”- chị H’Đen Bkrông bày tỏ.
Từ đó, đều đặn mỗi ngày, nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê luôn vang vọng tiếng khung dệt thổ cẩm. Ban đầu chỉ có vài người tham gia nhưng đến nay đã thu hút được 13 người tham gia dệt thường xuyên. Qua đó, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm buôn Lê cũng được thành lập và do chị H’Sen Hmôk Du làm chủ nhiệm.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm buôn Lê H’Sen Hmôk Du chia sẻ: “Tấm thổ cẩm làm ra không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là tâm huyết của người dệt nên nó. Đặc biệt, khi được học làm hoa văn nguyên bản của người M’nông R’lăm, dẫu rất khó khăn nhưng người dân nơi đây vẫn miệt mài chăm chỉ. Bởi với họ, dệt từng hoa văn, đường chỉ, sợi tơ không chỉ làm nên giá trị vật chất mà còn có cả tinh thần hồi sinh nét đẹp văn hóa truyền thống đồng bào mình”.
Việc bảo tồn văn hóa dệt thổ cẩm không chỉ dừng lại ở sự tâm huyết của cá nhân, chủ thể mà trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Lắk đã nỗ lực mở ra hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm của người M’nông R’lăm.
Cụ thể, UBND huyện đã và đang triển khai thực hiện sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho thổ cẩm. Hiện tại, nhà văn hóa cộng đồng buôn Lê đã được chính quyền thị trấn Liên Sơn bố trí hơn 90 triệu đồng tu sửa lại làm nơi dệt. Chính quyền, đoàn thể các cấp đang phối hợp với các phòng, ban liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện những tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cho thổ cẩm.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Liên Sơn Tô Tuấn Anh cho biết: “Địa phương sẽ hướng phát triển thổ cẩm gắn với thương mại, nhưng không để sản phẩm mất đi nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Để hiện thực hóa mong muốn này, cần chính sách bảo tồn phù hợp, sự chung tay từ các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc khảo sát, điều tra, tổ chức, vận động, tạo nguồn lực mở các lớp dạy dệt thổ cẩm…”
“Thời gian tới, địa phương sẽ tìm nghệ nhân để khôi phục thêm nghề đan lát, qua đó hình thành các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Tận dụng điểm du lịch cộng đồng buôn Lê và buôn Jun, địa phương sẽ kết hợp xây dựng các làng nghề thành điểm đến cho du khách trải nghiệm làm sản phẩm truyền thống. Từ đó, bài toán khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống của người M’nông trước nguy cơ mai một sẽ được giải quyết, người dân có thêm thu nhập, du lịch địa phương cũng phát triển” – ông Tô Tuấn Anh khẳng định.
Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm ở đồng bào dân tộc Đắk Lắk nói chung, nghề dệt thổ cẩm của người M’nông R’lăm nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển, nếu có chính sách và thực hiện đồng bộ kết hợp với du lịch sẽ đem lại hiệu quả cao, thu hút được đồng bào dân tộc tham gia duy trì nếp sống truyền thống này./.
Nguồn: https://toquoc.vn/no-luc-giu-nghe-det-tho-cam-mnong-rlam-20240923155413183.htm