Để sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế cần sự phối hợp, sáng tạo và đổi mới của các cấp, ngành và các chủ thể, hợp tác xã OCOP…
Cơ hội và thách thức
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2024 giữa Việt Nam và các đối tác trên thế giới đạt 578,5 tỷ USD tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 299,7 tỷ USD, tăng 15,4%, nhập khẩu đạt hơn 278,8 tỷ USD tăng 17,3%.
Với bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang rất khó đoán định, nhu cầu hàng hoá tại nhiều thị trường lớn đang bị sụt giảm nên kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay là rất đáng khích lệ. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và những thị trường mới, tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Để hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế, tại tọa đàm “Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài”, bà Cao Phương Lan – đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã chỉ ra những thuận lợi và thách thức đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Cao Phương Lan – đại diện Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) – phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Phương Cúc |
Theo bà Lan, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu hàng hoá. Một trong số đó là các FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu – châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Tiếp đến, nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ đang từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm dần từ cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, việc các nước trong khu vực châu Âu, châu Mỹ đang trong xu hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi cũng là những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt khi xuất khẩu các sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế.
Một trong những khó khăn có thể nhìn thấy rõ, đó là, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro thách thức và khó đoán định. Lạm phát không giảm, giá dịch vụ gia tăng gây kìm hãm quá trình phát triển và tác động không nhỏ đến quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng của các nước.
Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và có nguy cơ lan ra các khu vực khác cũng là một trong những khó khăn hiện hữu. Cụ thể, xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn ra mà chưa thấy có hồi kết, ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế thế giới. Khủng hoảng Biển Đỏ do xung đột giữa các nước trong khu vực Trung Đông tác động tiêu cực đến vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, các biến động chính trị tại các nước lớn trong khu vực trên thế giới như Hoa Kỳ và EU cũng ảnh hưởng ít nhiều tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Mặt khác, xu hướng “phi toàn cầu hoá” đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu
Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Cụ thể, các nước trong khối châu Âu châu Mỹ đang có xu hướng tập trung tìm nguồn cung ở một số đối tác gần thị trường của họ và có nền sản xuất tương đồng với Việt Nam như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… đã làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Đẩy mạnh sản phẩm OCOP “xuất ngoại”
Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có khoảng gần 10.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó chỉ có khoảng 50 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia, đây là những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao, đã đạt đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước.
“Mặc dù các sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao, có lượng tiêu thụ ổn định trong nước song để xuất khẩu được ra thị trường thế giới nói chung và thị trường châu Âu, châu Mỹ nói riêng, các doanh nghiệp OCOP sẽ cần phải nỗ lực nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế“, bà Cao Phương Lan nhận định.
Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp của Việt Nam và các hệ thống phân phối trên thế giới. Ảnh: Thái Mạnh |
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP nói riêng trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai mạnh mẽ đồng loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và các hệ thống phân phối trên thế giới, trong đó cũng có nhiều sản phẩm OCOP đã xâm nhập thành công và có chỗ đứng trong hàng loạt hệ thống phân phối lớn như Mega Market, BigC, Aeon, Amazon, Lotte, Carefour, LuLu, Decathon hay Walmart…
Trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Sở Công Thương địa phương, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các nhà phân phối lớn tổ chức thành công nhiều tuần hàng Việt Nam tại các nước, như Thái Lan, Pháp, Nhật, Hàn Quốc,… Những sự kiện này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm chất lượng cao mà còn giới thiệu tới người dân bản địa về các nét văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam. Các mặt hàng được giới thiệu tại các tuần hàng là những sản phẩm đặc trưng với chất lượng nổi bật của các tỉnh, vùng, miền Việt Nam, ví dụ như lạp xưởng, nem nướng, bánh tráng, nước mắm, gạo, tôm khô, các loại trái cây chế biến, hạt điều, mắc ca, tổ yến, hàng thủ công mỹ nghệ: Các sản phẩm tranh sơn mài, sản phẩm trang trí từ cói, mây tre, đồ gia dụng… Sự kiện tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tham gia kết nối giao thương với các hệ thống phân phối bán lẻ tại nước sở tại, cũng như gặp gỡ trực tiếp các doanh nhân và khách hàng để tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Không những chú trọng công tác đưa các đoàn doanh nghiệp Việt sang nước ngoài khảo sát, tìm hiểu thị trường, tiếp cận khách hàng tiềm năng tại các sự kiện xúc tiến thương mại hay hội chợ, triển lãm, Bộ Công Thương còn chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước kết nối, đưa các nhà nhập khẩu, phân phối về Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng.
Bà Phương Lan chia sẻ: “Trong 2 năm vừa qua, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023 và 2024. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà nhập khẩu, thu mua, phân phối đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới và hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu uy tin của Việt Nam. Sự kiện được các doanh nghiệp tham gia đánh giá cao, hỗ trợ kết nối một cách rất hiệu quả và thực chất.
Tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện Viet Nam International Sourcing 2025 vào tháng 9 năm 2025 với dự kiến sẽ đón khoảng 400 nhà thu mua, nhập khẩu, phân phối nước ngoài và 500 doanh nghiệp Việt Nam tới tham gia sự kiện“.
Nguồn: https://congthuong.vn/no-luc-dua-san-pham-ocop-ra-thi-truong-quoc-te-356132.html