Trường mở cửa, số học sinh vắng mặt giảm dần
Trường THPT Lê Quý Đôn (H.Trấn Yên, Yên Bái) đã đón học sinh (HS) trở lại từ ngày 16.9. Thầy Bùi Văn Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hai ngày qua, số HS đi học trở lại tăng theo từng ngày. Ngày đầu tiên vắng 160 em, đến ngày tiếp theo 17.9 số HS vắng mặt giảm còn 93 em… Nguyên nhân là do nhiều em gia đình ở khá xa, đường đến trường nhiều đoạn vẫn ngập bùn lầy, đi lại khó khăn. “Chúng tôi cũng thống nhất với gia đình những HS này, đường đi chưa an toàn thì chưa nên cho HS đến trường. Thầy cô sẽ có kế hoạch dạy bù cho các em”, thầy Xuân nói.
Trường TH-THCS Minh Chuẩn (Yên Bái ) bùn ngập sâu sau lũ (ảnh trái) và được thầy cô dọn dẹp ngày 17.9 (ảnh phải) để học sinh trở lại trường
ẢNH: NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP
Phòng ở ký túc xá Trường THPT số 1 Bảo Yên (Lào Cai) trước và sau khi dọn dẹp đón học sinh trở lại trường
ẢNH: NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP
Thầy Xuân cho biết thêm, các thầy cô cũng rất nỗ lực với tinh thần “một người làm việc bằng hai” để đón HS. Có thầy cô bị thương trong đợt bão lũ nhưng cũng quyết tâm đến trường dạy học bình thường. Còn những thiệt hại về cơ sở vật chất như hỏng cả trăm bộ bàn ghế, trang thiết bị dạy học hiện đại… thì cần khắc phục dần. “Được trở lại trường đã là hạnh phúc lúc này”, thầy Xuân nói.
Tại Trường mầm non Hoa Lan (TP.Yên Bái), ngôi trường nằm ở khu vực bị ảnh hưởng rất nặng nề, ngập sâu trong nước với lượng lớn bùn đất, rác thải ngập ngụa tưởng như khó có thể đón HS trở lại học bình thường vào ngày 16.9. Song với quyết tâm vượt bậc của các thầy cô, sự hỗ trợ của cộng đồng, nhà trường đã đón trẻ trở lại từ đầu tuần, mọi hoạt động dạy học, chăm sóc trẻ trở lại bình thường.
Bão lũ ‘quét’ hơn 4.600 tỉ của Yên Bái, cao hơn tổng thu ngân sách tỉnh 2023
Tìm mọi cách mở cửa trường
Chiều 17.9, Trường tiểu học – THCS Minh Chuẩn (H.Lục Yên, Yên Bái) mới cơ bản hoàn thành việc dọn dẹp. Một giáo viên ở đây chia sẻ: Khi nước rút phải lội bùn qua đầu gối vào trường, nhìn mọi thứ quá tàn khốc, ngổn ngang, không biết bắt đầu từ đâu.
Nhờ nỗ lực dọn dẹp trường lớp không mệt mỏi của các tình nguyện viên, của phụ huynh, của thầy và trò, Trường tiểu học – THCS Minh Chuẩn đã có thể đón HS trở lại vào ngày 18.9, muộn hơn nhiều trường khác, nhưng với các thầy cô, đó là “điều kỳ diệu”.
Tại Trường THCS số 1 Phố Ràng, một trường thiệt hại nặng nề, ngập nước, đọng bùn sâu nhất của H.Bảo Yên (Lào Cai), cô Phạm Hoàng Ngọc Huế, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đến nay công tác dọn dẹp đã cơ bản xong những phần ngổn ngang nhất, tất cả lớp bùn đặc quánh dày cả mét đã được dọn sạch. Dự kiến ngày 20.9 sẽ cho HS đến trường tập trung, nhưng nhà trường cũng chưa biết việc này có thể thực hiện được không, vì bàn ghế ở tất cả phòng học tầng 1 đã hỏng hết do ngâm nước lâu ngày. Gần như tất cả HS của trường đều mất hết sách vở do nhà các em cũng bị ngập hoặc lũ cuốn…
Ông Đào Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, thông tin: Sáng 16.9, 437/442 trường học trên địa bàn tỉnh đón HS đến lớp. Tỷ lệ HS đến trường đạt 90%. Các em chưa đến lớp được do hoàn cảnh và thiệt hại sau lũ, cộng với những em có cung đường di chuyển giao thông bị chia cắt. Yên Bái quyết tâm ngày 18.9 toàn bộ trường học mở cửa trở lại.
“Buổi chào cờ ngày đến lớp đầu tiên sau lũ, chúng tôi đã đề nghị các nhà trường dành thời gian chia sẻ, thăm hỏi, động viên đối với các thầy cô giáo, HS bị thiệt hại, ảnh hưởng trong mưa lũ những ngày vừa qua. Thời điểm này cần ổn định về tinh thần cho thầy và trò”, ông Đào Anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều con đường vẫn ngập ngụa bùn lầy sau bão lũ ở Yên Bái
Thiệt hại 1.260 tỉ đồng, mất hơn 41.000 bộ sách
Theo Bộ GD-ĐT, tổng thiệt hại sau bão lũ về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cập nhật đến thời điểm này ước tính là 1.260 tỉ đồng. Còn số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư gửi về Bộ GD-ĐT tổng hợp, tính đến ngày 16.9, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỉ đồng; hư hỏng 41.564 bộ SGK.
Cụ thể, thiệt hại về cơ sở vật chất 514,730 triệu đồng, trong đó giáo dục mầm non là 117,637 triệu đồng; giáo dục tiểu học 139,515 triệu đồng; THCS 142,044 triệu đồng; THPT 115,534 triệu đồng. Thiệt hại về trang thiết bị dạy học là 745,801 triệu đồng.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, 41.564 bộ SGK bị hư hỏng hoặc lũ cuốn cần bổ sung. Trong đó, giáo dục tiểu học cần 23.943 bộ; THCS 10.598 bộ; THPT cần 7.023 bộ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/no-luc-don-hoc-sinh-tro-lai-truong-sau-bao-lu-185240917235710633.htm