Tiết học buổi sáng tại trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), các em nhỏ người dân tộc Mông, Dao mở to đôi mắt, chăm chú nhìn vào cảnh chú thỏ tai hồng qua TV.
Con vật vốn chỉ được nhìn qua vài hình ảnh tĩnh trên trang sách, bỗng hiện ra thật sinh động, màu sắc.
Cách nửa vòng trái đất, trong ngôi trường tiểu học Gian Pet Nolasco ở Cusco, Peru – một trong những thành phố cao nhất thế giới, các thầy cô cũng đang cần mẫn dạy học trò về văn hóa, lịch sử đất nước, thông qua bài giảng phát trên máy tính.
Điểm chung giữa hai câu chuyện nằm ở hai châu lục là từ khi Viettel đến và hỗ trợ phủ sóng Internet miễn phí tới trường học, những đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa, trong độ tuổi ham tò mò và khám phá, được mở ra vô vàn cơ hội tiếp cận tri thức.
Ngay từ bắt đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông, trách nhiệm xã hội đã là một phần quan trọng trong sự phát triển chung của Viettel. Bên cạnh duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, Viettel ý thức mạnh mẽ về bổn phận với cộng đồng và hướng đến phát triển bền vững.
Đường đến con chữ bớt gian nan
Từ trước tới nay, các hoạt động hướng tới tạo môi trường học tập bình đẳng đã luôn được Viettel quan tâm và triển khai, thông qua giải pháp trọng tâm là cung cấp hạ tầng kết nối và tiến hành chuyển đổi số.
Năm 2008, “Internet trường học” ra đời. Hiện tại, Viettel đã cung cấp Internet cáp quang miễn phí cho hơn 38.000 cơ sở giáo dục trên toàn quốc, bao gồm 100% cơ sở giáo dục vùng sâu vùng xa; giúp số giáo viên, học sinh, sinh viên trong nước được tiếp cận Internet lên tới 25 triệu người.
Giống trường Hoa Phượng Đỏ, những tiết học ở các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở khác trên địa bàn huyện Lào Cai đều có Internet đồng hành.
Ngoài bảng đen, phấn trắng, giờ bộ phát Wifi, máy tính, màn hình chiếu trở thành thiết bị không thể thiếu. Ở các điểm trường xa hơn, nơi cáp quang chưa kéo đến, giáo viên có thể dùng sim data để tải bài giảng, bài kiểm tra xuống cho các con.
Kiến thức được truyền tải chân thực, trực quan hóa khiến việc đến trường trở nên thú vị hơn trong mắt lũ trẻ và hành trình “cõng chữ lên non” của thầy cô vơi bớt nhọc nhằn.
Nếu trước kia, các thầy cô công tác trên vùng hẻo lánh phải vượt những đoạn đường núi đèo hiểm trở đặc trưng của vùng Tây Bắc để tham gia các lớp tập huấn dưới xuôi. Thì giờ, ngoài giờ lên lớp, với laptop, điện thoại và đường truyền Internet ổn định, nhóm giáo viên có thể online và tổ chức đào tạo chuyên đề, thảo luận từ xa. Khoảng cách số thu hẹp lại khi thông tin giảng dạy, giáo án cũng được lưu trữ trong kho tài liệu, thư viện số.
Doanh thu, lợi nhuận không phải tất cả
Trước khi Bitel (Viettel Peru) hỗ trợ, khái niệm về máy tính, Internet đều xa lạ với hơn 300 học sinh trường Gian Pet Nolasco.
Địa thế hiểm trở, xa xôi của vùng cao khiến nhiều nhà mạng ở quốc gia Nam Mỹ này từ chối đầu tư hạ tầng vì khó sinh lời. Chuyện học hành của trẻ con nơi đây do đó vấp phải nhiều hạn chế.
Khó khăn càng hiển lộ trong thời kỳ Covid-19, trường học tạm đóng cửa, học sinh không có nguồn nào khác để tự học. Ngay cả khi thầy cô lặn lội tìm nơi có mạng để tải các bài học online về và mỗi tháng đến từng nhà các em dạy bù, khoảng trống trong kiến thức vẫn tồn tại rõ.
Hiểu rõ nhu cầu cấp thiết, đội ngũ Bitel đã xung phong giải quyết bài toán khó nhất, dù xác định nhiều gian nan phía trước. Các trạm phát sóng Internet miễn phí được dựng nhanh chóng ở nơi vùng hiểm trở này, bất chấp thời tiết mưa to, gió mạnh hay quá trình vận chuyển thiết bị nhiều khi không thể nhờ cậy máy móc, mà phải tự dùng sức người khiêng từ chân lên đỉnh núi.
Điều hạnh phúc nhất sau chặng đường nhọc nhằn ấy, với người Bitel, có lẽ là nụ cười tươi, ánh mắt ngạc nhiên của những đứa trẻ, khi các cú click chuột mở ra một thế giới chúng chưa từng biết đến.
Khát vọng kiến tạo xã hội học tập trọn đời
Không chỉ riêng Việt Nam, Peru, mà các trường học khác ở 8 thị trường (Campuchia, Mozambique, Haiti, Timor Leste, Burundi, Lào, Tanzania, Myanmar) đều được Viettel cam kết phủ sóng Internet, đảm bảo học sinh được cải thiện điều kiện học hành.
Ngoài “Internet trường học”, chương trình “Vì em hiếu học” ra đời từ năm 2013 nhằm hỗ trợ nhóm học sinh nghèo hiếu học trên cả nước, đặc biệt ở các xã khó khăn, vùng biên giới, ven biển và hải đảo.
Mỗi suất học bổng trao đi gửi gắm hy vọng của Viettel rằng việc đến trường không còn là giấc mơ xa vời với các trẻ em kém may mắn. Bộ đồng phục tươm tất, cặp sách có đủ bút viết, vở ghi hay chiếc xe đạp mới cũng không còn là thứ nằm ngoài tầm với. Trong một thập kỷ triển khai, chương trình đã trao hơn 230.000 suất học bổng, với tổng giá trị hơn 290 tỷ VNĐ.
Sau nỗ lực tạo ra môi trường học tập bình đẳng, Viettel quyết tâm tiến xa hơn bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục, thực hiện khát vọng xây dựng một xã hội học tập trọn đời.
Từ 2017, cơ sở dữ liệu liên thông, đồng bộ trong ngành giáo dục bắt đầu được xây dựng. Viettel trở thành đơn vị đặt nền móng cho sự hình thành của một hệ sinh thái toàn diện, phục vụ mọi nhu cầu của tất cả đối tượng thuộc ngành giáo dục, từ cấp quản lý cho tới giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Từ đó, hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12Online – phần mềm đầu tiên đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ra mắt giữa lúc dịch Covid-19 căng thẳng, K12Online không đơn thuần là giải pháp tình thế chỉ nhằm phục vụ dạy và học trực tuyến. Những giá trị dài hạn hướng đến bao gồm nhà trường bớt áp lực trong công tác điều hành, thầy cô lẫn cha mẹ theo dõi kết quả nhanh chóng và phối hợp với nhau tốt hơn, đổi mới cách giảng dạy truyền thống và khơi gợi cảm hứng học tập cho học sinh, sinh viên.
Với hơn 100 tiện ích, tính năng, K12Online cán mốc 100 triệu lượt truy cập ngay trong năm đầu tiên và đến nay khởi tạo tài khoản cho 4 triệu học sinh và 425.000 giáo viên đến từ 35.000 cơ sở giáo dục trên cả nước.
Những năm tiếp theo, các hoạt động chuyển đổi số ngành giáo dục vẫn tiếp tục được Viettel xây dựng, hoàn thiện, tích hợp và song hành cùng chiến lược phát triển của Tập đoàn. Kiên định với quan niệm đầu tư học tập là đầu tư cho tương lai, Viettel bền bỉ nỗ lực để khi công nghệ càng hiện đại, cộng đồng càng dễ tiếp cận, mở mang chân trời trí thức mới.
Nguồn: https://viettel.com.vn/vi/tin-tuc-va-su-kien/tin-tuc/no-luc-ben-bi-cua-viettel-de-xoa-nhoa-khoang-cach-giao-duc/