Sáng 28/4, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số tỉnh, thành; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, kế thừa thành quả phát triển kinh tế – xã hội của hơn 30 năm tái lập tỉnh (tháng 4/1992 – tháng 4/2024), hiện tại Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới.
Theo đó, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đưa Cảng hàng không Thành Sơn vào danh mục quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030; đã hoàn thành và tổ chức khánh thành chiều nay 28/4 đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông qua Tỉnh, cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn I đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025…
Các dự án mang lại ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh và lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng.
Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là: kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Quy hoạch tập trung phát triển 3 hành lang gồm Tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông-Tây tạo kết nối vùng, liên vùng theo Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng. Tỉnh xác định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về Cảng biển, Cảng cạn và Trung tâm dịch vụ Logistics, Khu công nghiệp, đô thị, du lịch, hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, để thực hiện các định hướng lớn trong quy hoạch, Ninh Thuận cần chú trọng tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Đồng thời, tạo đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Cùng với đó, tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người như nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, kết nối thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội…); đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất – cung ứng, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Để phát triển kinh tế – xã hội, Ninh Thuận đã lập danh mục 55 dự án thu hút vốn đầu tư trọng tâm. Dịp này, 14 nhà đầu tư đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án với tổng số vốn dự kiến đầu tư là: 120.000 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giới thiệu, quảng bá hình ảnh của địa phương cũng như các tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, định hướng phát triển của Ninh Thuận đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.