Ninh Phước thúc đẩy chương trình OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã triển khai nhiều giải pháp, thu hút nhiều sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân21/02/2025

Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể năm 2024.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước Đàng Năng Tom cho biết: Huyện đã tập trung vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, gắn với sản xuất những sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ theo chuỗi giá trị có lợi thế ở địa phương. Đồng thời, huyện triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP; thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Qua đó, các chủ thể thấy được lợi ích, hiệu quả của việc phát triển sản phẩm OCOP và tích cực tham gia.

Đến thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bích Phương, xã Phước Sơn. Chị Phương chia sẻ: Năm 2024, được các cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn hỗ trợ thực hiện các tiêu chí, thiết kế mẫu mã, tôi đã đầu tư máy móc để chế biến sản phẩm bánh tráng gạo và tham gia chương trình OCOP, được Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp huyện chấm đạt ba sao. Với lợi ích đem lại, tôi đang có kế hoạch nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm bánh tráng gạo và các sản phẩm bánh tráng khác. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, tiếp cận được lượng khách hàng trong thời gian tới.

Năm 2023, để xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, phát huy thế mạnh của địa phương, Hợp tác xã Phước Vinh 59 đã đưa sản phẩm táo sấy dẻo, táo tươi, măng tây tươi tham gia sản phẩm OCOP và được Hội đồng OCOP huyện công nhận ba sao.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phấn, Giám đốc Hợp tác xã Phước Vinh 59 cho biết: Việc sản phẩm được cấp huyện đánh giá xếp hạng OCOP ba sao có ý nghĩa thiết thực với cơ sở kinh doanh trong việc khẳng định giá trị sản phẩm, tạo động lực cho hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp khách hàng có thể tiếp cận nhiều hơn tới sản phẩm. Sau khi được công nhận, hợp tác xã tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm đạt chuẩn OCOP để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời, tích cực vận động các thành viên xây dựng mã số vùng trồng nhằm tiếp cận các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch, an toàn theo tiêu chí của OCOP, hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng.

Hiện, Ninh phước đã có 46 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt ba sao và một sản phẩm đạt bốn sao (giai đoạn 2022-2024); 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (giai đoạn 2020-2021) đã hết hạn, địa phương đang vận động các chủ thể tham gia đăng ký lại các sản phẩm đã được công nhận.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước Đàng Năng Tom, nhận xét: Việc phát triển chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã giúp các chủ thể thay đổi phương pháp tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các kênh quảng bá để mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh.

Thời gian tới, huyện tập trung củng cố và hỗ trợ đổi mới phương thức hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình bằng cách đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ, các quy trình sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản… cho các chủ thể.

Cùng với đó, nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận để khẳng định chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm. Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chương trình, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ chương trình OCOP cho các chủ thể, như: Hỗ trợ điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP; xây dựng trang giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử để truy xuất nguồn gốc, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh... để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng tầm giá trị, phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP của huyện


Nguồn: https://nhandan.vn/ninh-phuoc-thuc-day-chuong-trinh-ocop-post860714.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available