Những quyết định lịch sử, có ý nghĩa đột phá cho kỷ nguyên mới của dân tộc

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa thành công rất tốt đẹp với nhiều quyết sách mang tính lịch sử, có ý nghĩa đột phá, tạo nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài viết đánh giá bước đầu về kết quả Kỳ họp.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân21/02/2025

Cùng với Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội Khóa XV cũng mang ý nghĩa trọng đại với những quyết sách lịch sử trước kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thành công rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 luật, 5 nghị quyết và tiến hành công tác nhân sự để thực hiện việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đồng thời, thông qua 6 nghị quyết khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng.

Quang cảnh kỳ họp.

Kết quả kỳ họp là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, trực tiếp phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước, thúc đẩy tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những thập kỷ tới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Những quyết đáp của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 cũng là những vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo tiền đề cho công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Những quyết đáp của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 cũng là những vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo tiền đề cho công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Được tổ chức trong bối cảnh rất đặc biệt, diễn ra ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng với nhiệm vụ quan trọng là khẩn trương, kịp thời thể chế các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 23 - 24/1/2025), Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV có khối lượng công việc rất lớn với 17 nội dung về công tác lập pháp, kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác nhân sự và các vấn đề quan trọng khác.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV có khối lượng công việc rất lớn với 17 nội dung về công tác lập pháp, kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác nhân sự và các vấn đề quan trọng khác.

Trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận, thể chế hóa thành pháp luật; cùng với tinh thần hết sức cầu thị lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật, gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); và 18 nghị quyết (có 2 nghị quyết quy phạm pháp luật), trong đó có 5 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; 6 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia và 7 nghị quyết về nhân sự.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với tỷ lệ 96,03%

Đáng chú ý, việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận mới, phù hợp với bối cảnh mới. Trong thời gian rất ngắn, rất gấp, dự thảo Luật được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện, với những thay đổi lớn, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, theo đúng tinh thần Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/1/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.

Theo đó, hạn chế tối đa các quy trình, thủ tục không cần thiết; phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát huy sự năng động, sáng tạo gắn với vai trò, trách nhiệm, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; Chính phủ và các cơ quan trình dự án luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật do cơ quan mình trình; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời trong xây dựng chính sách, pháp luật giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các Bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Việc ban hành Luật này nhằm tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, để thể chế trở thành “đột phá của đột phá”, khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Cùng với đó, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ góp phần thay đổi quan trọng cách thức vận hành của các cơ quan, thiết chế liên quan theo hướng nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Căn cứ kết quả đạt được của năm 2024, tình hình dự báo năm 2025 và đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Trong Nghị quyết, Quốc hội đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện.

Một là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Hai là, tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.

Ba là, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

Bốn là, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Năm là, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến...

Bên cạnh đó, bám sát các chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội đã xem xét, thông qua một số nghị quyết để khẩn trương thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, góp phần giải phóng mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giúp nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và hoàn thành hai mục tiêu 100 năm (vào năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước).

Trong đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển..

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với tỷ lệ tán thành cao.

Cũng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm tới và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng nhà dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, để khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai xây dựng nhà dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển đột phá đất nước trong giai đoạn mới.

Để góp phần giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố; qua đó, đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải đô thị bền vững, hài hòa, hợp lý, có ý nghĩa chiến lược.

Đặc biệt, Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được 100% đại biểu Quốc hội có mặt thống nhất thông qua.

Tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Các Luật, Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, đều đạt trên 99% số đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết, cũng là một trong những kết quả rất đặc biệt của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Cùng với Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn có 1 luật và 5 nghị quyết khác được 100% số đại biểu Quốc hội có mặt thống nhất thông qua, thể hiện sự nhất trí, đồng lòng rất cao của Quốc hội đối với các chủ trương của Đảng về phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới nói chung cũng như cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị nói riêng.

Cùng với Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, còn có 1 luật và 5 nghị quyết khác được 100% số đại biểu Quốc hội có mặt thống nhất thông qua, thể hiện sự nhất trí, đồng lòng rất cao của Quốc hội đối với các chủ trương của Đảng về phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới nói chung cũng như cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị nói riêng.

Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước. Đồng thời, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.

Quốc hội đã bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, tiến hành bầu 1 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 4 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026; miễn nhiệm một số Bộ trưởng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhận nhiệm vụ khác.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa các đồng chí được bầu và miễn nhiệm.

Đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Với tinh thần chủ động, việc chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp này đã được triển khai từ sớm, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; đặc biệt là tinh thần khẩn trương, quyết tâm, trách nhiệm rất cao trước Đảng, trước Nhân dân.

Đảng ủy Quốc hội đã chủ động báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị từ sớm về dự kiến nội dung, chương trình, cách thức tổ chức Kỳ họp. Ngay sau khi được thành lập, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã tổ chức họp bàn để trao đổi cụ thể và thống nhất cao đối với các vấn đề báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này. Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan rà soát kỹ lưỡng, cho ý kiến về công tác chuẩn bị Kỳ họp tại 3 phiên họp; ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 23-24/1/2025), đã chỉ đạo Ủy ban ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 2 phiên họp trong tháng 2/2025 để xem xét về từng nội dung trình Quốc hội.

Thứ hai là sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan; sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân và cử tri cả nước. Các Bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương cũng đã chủ động phối hợp phục vụ chu đáo, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Kỳ họp.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Thứ ba, các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, quyết nghị các nội dung khó, phạm vi ảnh hưởng rộng; trong điều kiện đặc biệt, chịu áp lực về thời gian nhưng với yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm sự đồng bộ, chặt chẽ, triển khai ngay trong thực tiễn, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự ủng hộ, quyết tâm rất cao, trong đó có nhiều ý kiến thẳng thắn và có giá trị về cả lý luận và thực tiễn.

Kết quả, đã có tổng số 677 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ; 111 đại biểu đăng ký phát biểu tại Hội trường, trong đó có 109 lượt ý kiến phát biểu và 2 lượt ý kiến tranh luận tại Hội trường. Đặc biệt, nhiều đại biểu đã ghi nhận: các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc,những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước, thể hiện sự dân chủ, khách quan và tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Cùng với đó, các nội dung của Kỳ họp đã được thông tin kịp thời, sinh động, chính xác đến cử tri và Nhân dân cả nước, nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Thống kê sơ bộ cho thấy, đã có hơn 3.000 tin, bài tuyên truyền đậm nét về Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Từ những kết quả cụ thể của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 và những kỳ họp gần đây, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong tổ chức, tiến hành các Kỳ họp và hoạt động của Quốc hội. Đó là (i) phải thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; (ii) phát huy cao độ hiệu quả công tác phối hợp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan; sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân và cử tri cả nước trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp của Quốc hội; (iii) huy động và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của từng cá nhân đại biểu Quốc hội, đóng góp cho công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; (iv) hết sức cầu thị lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng, dân chủ thảo luận, từ đó có sự giải trình, tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết để đạt tới sự đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cụ thể của thực tiễn rất khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hiến định, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm thông suốt, khả thi, hiệu quả, đạt được những mục tiêu đã đề ra. Một số băn khoăn, lo ngại của các đại biểu Quốc hội là có cơ sở, cần hết sức lưu ý trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và công tác giám sát sau khi các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành, bảo đảm thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Do đó, trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm. Đề nghị Chính phủ nỗ lực cao nhất để xây dựng các kế hoạch, các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong các luật và các nghị quyết của Quốc hội; các cơ quan khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp bộ máy cần xử lý ngay, có tính chất đặc thù, mà không thể xử lý theo nguyên tắc chung để ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chủ động chuẩn bị tốt nhất các nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tới đây.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng; cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2025 và các năm tiếp theo, đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè, đối tác quốc tế, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ngày xuất bản: 20/02/2025

Trình bày: XUÂN BÁCH-BẢO MINH

Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Nhandan.vn

Nguồn:https://special.nhandan.vn/nhung-quyet-dinh-lich-su-co-y-nghia-dot-pha-cho-ky-nguyen-moi-cua-dan-toc/index.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available