Trước thềm năm học mới, 476 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hoàn tất các công việc cuối cùng, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học 2023-2024 trang trọng, ấn tượng.
Thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, các trường đều chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo an toàn tối đa tại trường học để hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục đề ra trong năm học mới.
Cô giáo Phạm Thị Xoan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lưu Phương (Kim Sơn) cho biết: Bước vào năm học 2023-2024, Trường Mầm non Lưu Phương có niềm vui khi vừa mới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và là đơn vị Cờ đầu cấp học mầm non của huyện Kim Sơn. Năm học 2022-2023 Trường được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, làm mới các hạng mục với tổng kinh phí gần 3,7 tỷ đồng. Đến năm học 2023-2024, nhà trường tiếp tục được sửa sang, bổ sung, trang trí lại góc chợ quê, thư viện, khu vườn trải nghiệm… khang trang, sạch đẹp, an toàn về mọi mặt, có đầy đủ các trang thiết bị cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.
Để triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, Sở GD-ĐT đã đôn đốc, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, rà soát, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp trong dịp hè, tập trung ở các hạng mục: Lớp học, bếp ăn, công trình nước sạch, công trình vệ sinh; chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác mua sắm trang thiết bị dạy học; tập trung rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp về số lượng và cơ cấu môn học; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên…
Cô giáo Lê Việt Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Sơn (thành phố Ninh Bình) cho biết: trước khi bước vào năm học mới, giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý nhà trường được tham gia các lớp tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức về chương trình sách giáo khoa mới, cách khai thác, sử dụng học liệu, sách giáo khoa tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá phát triển năng lực học sinh; xem video tiết dạy minh họa; thực hành xây dựng kế hoạch bài dạy. Đồng thời, học viên thực hành xây dựng kế hoạch bài dạy và chia sẻ, thảo luận việc xác định mục tiêu bài dạy, tiến trình thực hiện hoạt động để đạt mục tiêu giáo dục kiến thức, kĩ năng và phẩm chất học sinh. Thông qua lớp bồi dưỡng giúp cán bộ quản lý, giáo viên nắm vững hơn về chương trình, yêu cầu cần đạt của môn học để giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức hoạt động học cho học sinh tham gia nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Xác định nâng cao chất lượng giáo dục là mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ trung tâm, trong đó năm học này, ngành Giáo dục chú trọng hơn giáo dục kỹ năng cho học sinh; đưa phong trào “xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn-hạnh phúc” ở các cơ sở giáo dục đi vào chiều sâu. Do đó, ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã tạo cảnh quan trường lớp sạch đẹp, thân thiện, hiện đại.
Cô giáo Lê Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn A cho biết: Năm học 2023-2024, Trường THPT Kim Sơn A có 1.407 học sinh/33 lớp, trong đó có 471 học sinh lớp 10. Để cụ thể hóa nhiệm vụ năm học 2023-2024, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các nhóm chuyên môn bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp. Đặc biệt, có 2 hoạt động giáo dục có tính liên kết chặt chẽ với các nhóm chuyên môn, đó là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương. Theo đó, nhà trường trên cơ sở rà soát đội ngũ, bám sát nội dung chương trình để phân công giáo viên phù hợp nhất với các chuyên đề các thầy cô tham gia giảng dạy. Với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các thầy cô phải chuẩn bị kế hoạch giáo dục, do vậy công tác chuyển đổi số trong nhà trường cũng được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các hoạt động quản lý điểm, quản lý phần mềm, triển khai thực hiện thư viện điện tử… Qua đó giúp học sinh được tiếp cận môi trường học tập hiện đại.
Năm học mới 2023-2024 là năm học thứ tư thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội. Theo đó chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được thực hiện và năm học tới đây là năm đầu tiên các em học sinh lớp 4, 8, 11 được tiếp cận với SGK mới theo Chương trình GDPT 2018. Trong dịp đầu năm học mới 2023-2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trao tặng 1.650 bộ sách thuộc 3 cấp học, trị giá trên 363 triệu đồng cho các em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Ninh Bình với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với các em, giúp các em có thêm những cuốn tài liệu học tập đẹp về hình thức, hấp dẫn về nội dung và thực sự mang tinh thần đổi mới như Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra.
Em Trần Thanh Hằng, lớp 8B, Trường THCS Thượng Kiệm (Kim Sơn) xúc động chia sẻ trong ngày được tặng sách theo chương trình “Tặng sách cho em” trước thềm năm học mới 2023-2024: Em rất vui khi được sự quan tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo, của nhà trường và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dành tặng cho học sinh hộ nghèo như em có sách để đến trường học tập, giúp em được trang bị đủ sách giáo khoa học tập, nỗ lực đạt thành tích cao nhất trong năm học 2023-2024.
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu: Xây dựng mới 5 trường học đạt chuẩn quốc gia. Nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 89,5%. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đứng trong tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT có ít nhất 60% học sinh dự thi đạt giải, trong đó tỷ lệ đạt giải chính thức từ 70% trở lên. Triển khai lựa chọn sách giáo khoa và biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Ninh Bình đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12, công tác bồi dưỡng các modul về chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên đại trà đảm bảo tiến độ, kế hoạch…
Hiện ngành Giáo dục và Đào tạo đang tích cực triển khai các hoạt động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, kế hoạch năm học 2023-2024 đã đề ra.
Hồng Vân – Minh Quang