Bộ Công an đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
Dự thảo nêu rõ, thiết bị phát tín hiệu quyền ưu tiên gồm: Còi phát tín hiệu ưu tiên; cờ hiệu ưu tiên và đèn phát tín hiệu ưu tiên.
Hiện nay, tại Điều 3, Nghị định 109/2009/NĐ-CP quy định 4 nhóm đối tượng xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp gồm: Xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; Xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp (xe đi thi hành các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm).
Tuy nhiên, tại dự thảo nghị định, Bộ Công an đề xuất đối tượng được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên gồm:
Thứ nhất, xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ.
Thứ hai, xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: các xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, chỉ huy tác chiến, thông tin làm nhiệm vụ hoả tốc, chỉ huy đoàn hành quân, xe làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự, bảo vệ đoàn; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện các hoạt động điều tra, dẫn giải can phạm, phạm nhân, tham gia phòng, chống khủng bố.
Thứ ba, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; xe đi làm nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải can phạm, phạm nhân, chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự công cộng; xe đi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông; xe đi làm nhiệm vụ Cảnh vệ; xe chỉ huy tác chiến chống khủng bố; xe thông tin làm nhiệm vụ hoả tốc; xe chỉ huy đoàn hành quân.
Thứ tư, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.
Thư năm, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
Thứ sáu, xe hộ đê đi làm nhiệm vụ, xe đi làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Thứ bảy, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật, gồm: xe phục vụ các Ban chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ triển khai thi hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp; xe phục vụ các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, y tế, bảo vệ môi trường, nông nghiệp và các lực lượng khác được Ban chỉ đạo huy động thi hành các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp.
Cũng tại dự thảo nghị định, Bộ Công an đề xuất quy định các hành vi bị cấm như sau:
Xe ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên không đúng chủng loại, không đúng vị trí, không lắp đặt đầy đủ theo quy định của Nghị định này.
Xe ưu tiên sử dụng tín hiệu ưu tiên khi không đi làm nhiệm vụ hoặc lợi dụng tín hiệu ưu tiên để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật sử dụng tín hiệu ưu tiên khi chưa ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp.
Người điều khiển xe ưu tiên khi sử dụng tín hiệu ưu tiên gây mất an toàn giao thông cho người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên hoặc lắp đặt các thiết bị tương tự gây hiểu nhầm đối với người tham giao thông khác.
Tự ý lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên bị xử lý thế nào?
Tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định: “Nghiêm cấm các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không thuộc loại xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên hoặc xe được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên không đúng quy định của Nghị định này.”
Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm e, Khoản 4, Điều 5 và Điểm g, Khoản 2, Điều 6 – Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cụ thể, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
Ngoài việc bị phạt tiền, người khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vi phạm nêu trên còn bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
Ngoài việc bị phạt tiền, người khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi vi phạm nêu trên còn bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định; Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Không nhường đường cho xe ưu tiên, phạt bao nhiêu?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe vi phạm lỗi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt theo mức sau:
Stt |
Phương tiện |
Mức phạt |
Căn cứ |
1 |
Ô tô |
+ Từ 03 – 05 triệu đồng; + Tước Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 – 3 tháng. + Tước GPLX từ 2 – 4 tháng (nếu gây tai nạn giao thông). |
Điểm h khoản 5, điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 |
2 |
Xe máy |
+ Từ 600.000 đồng – 01 triệu đồng; + Tước GPLX từ 1 – 3 tháng; + Tước GPLX từ 2 – 4 tháng (nếu gây tai nạn giao thông). |
Điểm đ khoản 4, điểm b, điểm c khoản 10 Điều 6 |
3 |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng |
+ Từ 800.000 đồng – 1 triệu đồng; + Tước GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 1 – 3 tháng. + Tước GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 2 – 4 tháng. |
Điểm e khoản 4, điểm a, điểm b khoản 10 Điều 7 |
Thứ tự của các xe được quyền ưu tiên
Căn cứ Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự ưu tiên như sau:
1- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ
2- Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường.
3- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.
4- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
5- Đoàn xe tang.
Như vậy, theo quy định trên thì có 5 loại xe được ưu tiên đi trước các khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới.
Trong các loại xe nêu trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Tuệ Minh