Các dự án đường vành đai được kì vọng sẽ giảm tải cho nội đô Hà Nội, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực và là đòn bẩy phát triển kinh tế.
Hiện nay, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội đang được thành phố triển khai, trong đó, phải kể đến các tuyến đường vành đai với vai trò là trục chính kết nối, vừa giúp phương tiện lưu thông thuận lợi, vừa mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, đẩy mạnh liên kết vùng.
Hà Nội hiện quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).
Các quy hoạch này nhằm từng bước khép kín các tuyến đường vành đai theo quy hoạch, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô cũng như tăng cường kết nối, lan tỏa giữa các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đó, với tuyến Vành đai 1 dài hơn 7 km qua các phố Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Xã Đàn – Hoàng Cầu – Voi Phục; hiện còn đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (2,5 km) chưa hoàn thành.
Riêng đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục có điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).
Tổng đầu tư dự án gần 7.800 tỉ đồng, được phê duyệt từ 12.2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng đến nay chưa xong.
Tại buổi kiểm tra ngày 4.4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu có chính sách tốt nhất để người dân đồng thuận, hoàn thành giải phóng mặt bằng vành đai 1 năm 2023, thông tuyến đường năm 2024.
Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch dài hơn 43 km, chạy qua Vĩnh Tuy – Minh Khai – Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở – Láng – Cầu Giấy – Võ Chí Công – Trường Sa – Nguyễn Văn Linh – Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín.
Hiện nay, vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện được 32 km, trong đó có ba cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.
Trong khi tuyến Vành đai 3 đã được khép kín thì đến nay đang quá tải. Do đó, tuyến vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, giảm tải nằm giữa Vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây – Nguyễn Văn Huyên – Nguyễn Phong Sắc – Trần Thái Tông – Dương Đình Nghệ – Trung Kính – Hoàng Đạo Thúy – Vũ Trọng Phụng – Đầm Hồng – Khương Đình – Định Công – Kim Đồng – Tân Mai – Đền Lừ – Lĩnh Nam.
Dự án có 13 đoạn, hiện Hà Nội đã hoàn thành 4 đoạn tuyến, còn lại 9 đoạn đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư.
Vành đai 3,5 là tuyến bổ trợ nằm giữa Vành đai 3 và 4, bắt đầu từ đoạn nối vào cao tốc Pháp Vân (thuộc huyện Thanh Trì) – Phúc La (Hà Đông), đi qua các quận, huyện: Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm – quốc lộ 32 – cầu Thượng Cát.
Dự án này có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 1.000 tỉ đồng, được khởi công vào tháng 10.2017 với chiều dài 4,9 km, tốc độ thiết kế 80 km/h, quy mô mặt cắt ngang 60 m, được chia làm hai giai đoạn.
Tuy nhiên, sau gần 6 năm được triển khai, dự án vẫn đang thi công ì ạch, cầm chừng vì gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng.
Dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội dài dài hơn 112 km, trong đó đoạn qua Hà Nội dài hơn 58 km, qua Hưng Yên hơn 19 km, qua Bắc Ninh hơn 35 km.
Tổng mức đầu tư trên 85.813 tỉ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 28.173 tỉ đồng; ngân sách địa phương tham gia hơn 28.193 tỉ đồng, vốn BOT hơn 29.447 tỉ đồng. Dự án dự kiến khởi công trước 30.6 tới, hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.
Vành đai 5 có tổng chiều dài 331,5 km, đi qua địa giới 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, đoạn qua Thủ đô dài 48 km.
Theo quy hoạch, vành đai 3,5 và 4 được kỳ vọng tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội cho cả vùng Thủ đô nói chung.
Trong đó, phía đông Hà Nội sẽ có thêm xung lực mạnh mẽ để bứt phá khi khả năng kết nối với các khu vực khác ngày càng đa dạng, cả vào trung tâm nội đô và đi các tỉnh, thành phố lân cận.